Sáng 10-1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức khởi công dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khởi công dự án này.
Thủy điện Hòa Bình thêm 2 tổ máy
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc EVN, cho biết dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng có tổng mức đầu tư hơn 9.220 tỉ đồng, quy mô gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Tiến độ yêu cầu của dự án là phát điện tổ máy số 1 vào quý III/2024, phát điện tổ máy số 2 và hoàn thành toàn bộ công trình vào quý IV/2024.
Đến nay, EVN đã cơ bản hoàn thành công tác thu xếp vốn với nguồn vốn tự có (30%), vốn vay thương mại (70%), trong đó vay trong nước 4.000 tỉ đồng từ Vietcombank và vay nước ngoài không có bảo lãnh chính phủ 70 triệu euro từ Cơ quan Phát triển Pháp (AfD). Nhà thầu thi công dự án là liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng, Công ty CP Xây dựng 47 và Công ty CP Lilama 10.
Theo Tổng Giám đốc EVN, dự án này khi hoàn thành sẽ tăng hiệu quả sử dụng nguồn nước sông Đà, khai thác tối đa lượng nước xả thừa hằng năm vào mùa lũ của công trình hiện hữu. Đồng thời, tăng công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện; tăng độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nguồn điện năng lượng tái tạo đã chiếm tỉ trọng rất cao trong hệ thống điện như hiện nay.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các đại biểu dự lễ khánh thành giai đoạn 1 dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài Ảnh: QUANG LIÊM
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng là một công trình lớn, phức tạp, điều kiện thi công trong lòng thành phố, khối lượng thi công lớn, phạm vi rộng. Do đó, EVN cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, nhà thầu trong việc tổ chức điều hành xây dựng công trình để bảo đảm an toàn, đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao, hạn chế ảnh hưởng môi trường.
"Phải an toàn tuyệt đối, an toàn lâu dài và phát triển bền vững, nhất là đối với vùng hạ du, không để bất cứ sự cố nào xảy ra trong điều kiện thời tiết cực đoan hiện nay" - Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị EVN và các đơn vị phấn đấu hoàn thành dự án trước thời hạn ít nhất nửa năm, đưa vào vận hành đầu năm 2023 để bổ sung nguồn điện quý giá cho đất nước, dù điều kiện thi công phức tạp. "EVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan phải bảo đảm cung ứng đủ điện với chất lượng tốt, không được để thiếu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt nhất đời sống của nhân dân và nhiệm vụ quốc phòng an ninh" - Thủ tướng nêu rõ.
Tân Sơn Nhất và Nội Bài thêm đường cất hạ cánh
Cùng ngày, tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Tham dự lễ khánh thành có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Theo Bộ GTVT, đây là 2 dự án được tổ chức triển khai theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ tại Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9-4-2020. Vì vậy, tháng 5-2020, Bộ GTVT đã phê duyệt 2 dự án.
Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 2.015,3 tỉ đồng, được chia thành hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện trong thời gian 6 tháng, tiến hành sửa chữa đường băng dài 3 km, rộng 46 m; 4 đường lăn nối cùng các công trình phụ trợ; giai đoạn 2 sẽ kết thúc trước 31-12-2021.
Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.031,6 tỉ đồng, cũng được chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện trong thời gian 6 tháng, cải tạo gần 3 km đường cất hạ cánh và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước; giai đoạn 2 sẽ kết thúc trước dịp Tết nguyên đán 2022.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã xác định và lãnh đạo, chỉ đạo. "Hạ tầng giao thông (trong đó có các sân bay, nhất là sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài) phải được ưu tiên đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững với tầm nhìn chiến lược mới, xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội" - ông Trương Hòa Bình nói. Vì vậy, việc đưa vào sử dụng 2 dự án này là hết sức quan trọng.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao, biểu dương tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan đã khắc phục khó khăn, nỗ lực làm việc ngày đêm trong trạng thái "bình thường mới" - vừa chống dịch Covid-19 vừa thi công liên tục, bảo đảm chất lượng và tiến độ, đưa dự án vào hoạt động. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện thi công giai đoạn 2 của 2 dự án để bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Hôm nay, khánh thành hầm Hải Vân 2
Theo kế hoạch, hôm nay (11-1), tại khu vực cửa hầm phía Nam thuộc địa phận quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, nhà đầu tư (Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thuộc Tập đoàn Đèo Cả) phối hợp cùng Bộ GTVT, các địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2.
Hạng mục hầm Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả, với chiều dài 6,2 km (chiều dài tuyến 12,4 km bao gồm cả đường dẫn) là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á. Hầm Hải Vân 2 sẽ giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, mang lại lợi ích to lớn về kinh tế và xã hội.
Q.Châu
Bình luận (0)