Sáng 28-3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng quy mô lớn nhất từ trước đến nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025.
Đạt được những thành tựu to lớn
Trong phần đánh giá về kết quả thực hiện Chiến lược 10 năm (giai đoạn 2011-2020) và phương hướng thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm vừa qua (giai đoạn 2015-2020), Thủ tướng cho rằng cần trả lời câu hỏi: "Chúng ta đang ở đâu trong quá trình phát triển?".
Đánh giá chung về giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng khẳng định đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế bình quân trong giai đoạn này đạt 5,95%. Quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN. GDP bình quân đầu người của nước ta năm 2020 đạt trên 3.500 USD, nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP và Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao nhất thế giới. Chúng ta cũng đã thiết lập quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 nước, vùng lãnh thổ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030 Ảnh: NHẬT BẮC
Theo Thủ tướng, thành quả đó góp phần tô đậm thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Kết quả đạt được không phải là của một nhiệm kỳ cụ thể mà là dưới sự lãnh đạo của Đảng, đó là sự tích lũy của nhiều nhiệm kỳ, của nhiều thế hệ, mọi tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, nền kinh tế vẫn tồn tại những hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro; trình độ khoa học - công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối mặt với thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, đất đai và nguồn nước; biến đổi khí hậu ngày càng nhanh, khốc liệt, khó lường; nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh quốc gia cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong thời kỳ đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh trong khó khăn thách thức, chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm. "Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao…" - Thủ tướng mong mỏi.
Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc
Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu khắc phục cho được những hạn chế, bất cập trong giai đoạn qua, cả trong dài hạn cũng như trong trung hạn.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 xác định đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Trong 5 năm tới (2021-2025), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5% - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.
Về nội dung Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới, Thủ tướng nêu rõ chủ đề, đó là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Theo đó, Thủ tướng đưa ra 3 thành tố trọng tâm của chủ đề chiến lược. Thành tố thứ nhất là động lực và tinh thần quyết tâm: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại. Thành tố thứ hai là cách thức và phương tiện chủ yếu: Huy động mọi nguồn lực phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thành tố thứ ba là mục tiêu phấn đấu: Phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thủ tướng cho rằng đây là những lĩnh vực cần tập trung chỉ đạo trong thời gian tới, bao quát những vấn đề trọng tâm nhất của đất nước. Các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Theo đó, Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo quy định trong phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ được giao.
Đồng thời phải tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ hiệu quả; chú trọng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nút thắt với phương châm xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
"Chủ trương 1, biện pháp 10, kế hoạch 20, đôn đốc thực hiện kiểm tra quyết liệt thì mới thành công. Nghị quyết có hay, chiến lược có tốt, có đúng mà tổ chức thực hiện kém, không quyết liệt, không linh hoạt thì Nghị quyết và chiến lược không đi vào cuộc sống. Chúng ta cần hiểu tổ chức thực hiện là cả hệ thống chính trị chứ không phải chỉ các cấp chính quyền" - Thủ tướng quán triệt.
5 bài học kinh nghiệm lớn
Đánh giá thành quả đạt được trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúc kết 5 bài học kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy. Thứ nhất, bảo đảm mối tương quan hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng và ổn định; kiên trì ổn định vĩ mô, khắc phục nguy cơ tụt hậu; giải quyết các mối quan hệ trọng tâm về kinh tế.
Thứ hai, thực sự coi trọng phát triển văn hóa, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế; coi giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.
Thứ ba, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt; phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác dự báo, đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình thế giới, khu vực để có những quyết sách, hành động nhanh chóng, quyết liệt, phù hợp.
Thứ năm, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và nền kinh tế tự chủ, có khả năng thích ứng và chống chịu cao.
Khẩn trương xây dựng chương trình hành động
Cũng tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, đã truyền đạt chuyên đề "Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam"; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm giới thiệu chuyên đề: Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia.
Phát biểu bế mạc hội nghị sau 2 ngày làm việc vào chiều 28-3, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng của Đảng, của mỗi tổ chức Đảng, đồng thời cũng là vinh dự, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
Ngay sau hội nghị này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có sự thống nhất với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cấp trên và của cấp mình, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức học tập và thực hiện Nghị quyết một cách thường xuyên. Cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết.
Bình luận (0)