Phải để học sinh hiểu biết, tự hào về vùng đất mình sinh ra và lớn lên bằng những kiến thức về văn hóa, lịch sử. Từ suy nghĩ này, chính quyền huyện Duy Xuyên và TP Hội An ở Quảng Nam - nơi có 2 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là khu đền tháp Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An - đã triển khai các đề án giáo dục trong trường học để cung cấp kiến thức cho các em từ sớm, với mong muốn hình thành lớp người đóng góp cho di sản.
Chương trình, đề án thiết thực
Từ năm 2004, huyện Duy Xuyên đã triển khai chương trình "Đưa giáo dục di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn vào trường học". Theo đó, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức biên soạn, ban hành chương trình, tài liệu về giáo dục di sản này trong trường phổ thông. Tài liệu gồm 2 tập: "Giáo dục về di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trong nhà trường" và "Thiết kế hoạt động dạy học, hoạt động tập thể trong chương trình giáo dục về di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn".
Từ tài liệu này, giáo viên các bộ môn tiếng Việt/ngữ văn, lịch sử, địa lý, mỹ thuật, âm nhạc lồng ghép những nội dung về nguồn gốc ra đời của di sản; giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, du lịch; kiến thức khoa học về môi trường, bảo vệ di sản... trong các tiết học. Nhà trường còn trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết về bảo vệ di sản, sưu tầm tranh ảnh, mẫu vật, viết, vẽ, sáng tác, tuyên truyền giới thiệu về Mỹ Sơn.
Học sinh huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam học tập, trải nghiệm trực tiếp tại di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn Ảnh: PHI THÀNH
Qua gần 20 năm thực hiện chương trình, các trường đã triển khai lồng ghép hàng chục ngàn tiết học cho học sinh ở huyện Duy Xuyên, tổ chức cho các em tham quan thực tế tìm hiểu về di sản này. Các trường còn tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về Mỹ Sơn; thi vẽ tranh, thuyết trình tiếng Anh, sáng tác thơ ca, thực hành hướng dẫn viên du lịch cùng hàng trăm buổi nói chuyện dưới cờ về việc tìm hiểu, phát huy, bảo vệ di sản và giá trị toàn cầu của di sản Mỹ Sơn…
Tương tự, từ năm 2014, TP Hội An bắt đầu xây dựng đề án "Giáo dục di sản trong học đường". Năm học 2017 - 2018, bộ tài liệu dành cho học sinh tiểu học được đưa vào thử nghiệm. Đến cuối năm 2021, sau thời gian hoàn thiện, bộ tài liệu đã được áp dụng chính thức trong hệ thống giáo dục tiểu học toàn thành phố.
Bộ tài liệu này gồm các chủ đề khác nhau xoay quanh di tích chùa Cầu, đình, chùa, hội quán, nhà thờ tộc, lăng Ông, nhà cổ, làng nghề, nghệ thuật trình diễn dân gian múa thiên cẩu... được lồng ghép khéo léo để giới thiệu đến học sinh. Kèm theo bộ tài liệu là các clip giới thiệu về di sản theo từng chủ đề học tập và công cụ phục vụ hoạt động trực quan để học sinh dễ tìm hiểu.
Ngoài nội dung trong tài liệu, các tiết học còn chọn hiện vật, di tích làm đối tượng truyền tải thông tin trực quan. Học sinh phát huy được tính chủ động, sáng tạo và hiểu biết kỹ hơn, từ đó góp phần hình thành ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản.
Cần được đánh giá, phổ biến
Bà Lê Thị Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý bảo tàng - Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho biết thành phố đã xây dựng bộ giáo trình về giáo dục di sản trong học đường cho học sinh lớp 1 và lớp 6. Nhiều trường đã triển khai chương trình ngoại khóa "Chúng em khám phá bảo tàng"; tổ chức thi tìm hiểu di sản qua sách, báo tại thư viện; nhận chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng… nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về giá trị di sản.
"Mục đích xây dựng bộ giáo trình này là tạo sự tương tác giữa giáo viên, học sinh và nhân viên hướng dẫn di tích. Từ những hoạt động tương tác - bao gồm lý thuyết về giá trị lịch sử, văn hóa… của di sản trong lớp học; trải nghiệm di sản, sau đó thu hoạch bằng hình thức vẽ tranh, làm tượng… - học sinh sẽ yêu thích hơn các di sản văn hóa ở Hội An, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ di sản từ lúc còn trên ghế nhà trường" - bà Tuấn nhìn nhận.
Học sinh Hội An được giáo viên thuyết minh, giới thiệu về di sản tại các di tích Ảnh: BẢO TÀNG HỘI AN
Ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, nhấn mạnh ngoài các quy định pháp luật liên quan, giáo dục giữ một vị trí quan trọng trong công tác bảo tồn. "Nhiều năm qua, ngành giáo dục địa phương đã đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với di sản Mỹ Sơn. Trong đó, mô hình giáo dục di sản trong trường học đã góp phần lan tỏa, thấm sâu giá trị di sản Mỹ Sơn đến cộng đồng, được cộng đồng đón nhận, chung tay bảo vệ và cùng chia sẻ trách nhiệm, thụ hưởng quyền lợi" - ông Hộ đánh giá.
Theo TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, một trong các khuyến nghị quan trọng trong công ước của UNESCO là triển khai những hình thức giáo dục di sản chính thức và phi chính thức. Bà Lý cho rằng việc Hội An, Mỹ Sơn triển khai các đề án giáo dục di sản trong trường học không chỉ giúp lan tỏa tình yêu di sản đến học sinh và cộng đồng mà còn góp phần thực hiện công ước của UNESCO. Các mô hình đang triển khai tại Mỹ Sơn, Hội An cần được đánh giá, phổ biến ở những khu di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng trên cả nước.
Đưa nghệ thuật bài chòi vào trường học
Bên cạnh các chương trình giáo dục di sản, trong kế hoạch bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - nghệ thuật bài chòi, UBND tỉnh Quảng Nam lưu ý cần xây dựng đề án đưa vào trường học.
Hiện nay, bài chòi đã được giảng dạy tại các trường tiểu học và THCS ở TP Hội An.
Bình luận (0)