Dù tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn không dài, chỉ hơn 98 km, song có ý nghĩa khá quan trọng trong việc hướng tới nối liền đường cao tốc Bắc - Nam, bởi đây là dự án đầu tiên được khởi công sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2017. "Đại dự án" cao tốc chạy dọc đất nước này nhiều phân kỳ, trong đó phân kỳ đầu tiên của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (2017-2020) gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh - thành, trong đó có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước là Cam Lộ - La Sơn; Cao Bồ - Mai Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. Như vậy, tính ra 11 tuyến đường cao tốc được coi là "có tính cấp bách" đã được thông qua gần 2 năm nay và thời gian theo phân kỳ chỉ còn hơn một nửa mà nay mới khởi công được dự án đầu tiên với chiều dài chưa tới 1/6 tổng chiều dài 654 km.
Có nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án và một trong những điều nhắc tới nhiều nhất là lựa chọn nhà đầu tư. Ngay dự án đầu tiên Cam Lộ - La Sơn cũng được xây dựng bằng vốn đầu tư công hơn 7.660 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Không dễ để lựa chọn được nhà đầu tư vừa đủ tiềm lực tài chính vừa có kinh nghiệm và nhất là thi công bảo đảm chất lượng tuyến cao tốc rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như quốc phòng - an ninh của đất nước.
Tính ra, để hoàn thành 11 dự án trong giai đoạn 1 cần nguồn vốn đầu tư tới 120.000 tỉ đồng. Trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp, nhà nước chỉ có thể huy động được khoảng 55.000 tỉ đồng, hơn 50% nguồn vốn còn lại phải huy động từ các hình thức đầu tư PPP (đối tác công - tư). Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới các dự án, trong đó có cả những nhà đầu tư nước ngoài, song lựa chọn nhà đầu tư nào lại không dễ, thậm chí phải hết sức thận trọng với cả những nhà đầu tư bỏ thầu thấp nhất.
Cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ, là một trong những điểm nghẽn cản trở sự tăng trưởng nhanh và bền vững hơn của kinh tế - xã hội. Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam trải dài qua 20 tỉnh - thành ở phía Đông tác động tới 45% số dân và đóng góp 52% GDP, 75% số cảng và 67% khu kinh tế cả nước.
Dù có sự chậm trễ, ách tắc của một huyết mạch quan trọng bậc nhất đối với quốc gia nhưng nếu lựa chọn không đúng, thậm chí sai lầm nhà đầu tư thì tác hại còn lớn hơn gấp bội. Không ít dự án cơ sở hạ tầng lớn chậm trễ kéo dài, đội vốn thời gian qua là những bài học mà chúng ta đã phải trả giá đắt.
Vì thế, để khơi thông tuyến huyết mạch cao tốc Bắc - Nam cũng như các dự án hạ tầng quan trọng khác, rất cần một quy trình sàng lọc, lựa chọn công bằng, công khai, minh bạch vì lợi ích của đất nước và người dân.
Bình luận (0)