Bên lề kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục dành sự quan tâm đến việc tổ chức mời thầu dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
ĐB Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, cho rằng để xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, không nên đặt vấn đề nhà thầu trong nước hay nước ngoài mà việc quan trọng là chọn được nhà thầu tốt; có điều kiện chặt chẽ để bảo đảm công trình chất lượng, đúng tiến độ và đặc biệt là chủ đầu tư "phải làm chủ".
Dự án có tổng chiều dài 654 km, tổng kinh phí 118.716 tỉ đồng. Trong đó, 55.000 tỉ đồng vốn nhà nước và 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Với dự án quá lớn như vậy, ông Cường cho rằng phải chia làm nhiều gói thầu nhỏ và mỗi doanh nghiệp (DN) hay liên danh DN chỉ làm một đoạn. "Nếu nhà thầu nào yếu kém, không đáp ứng yêu cầu thì ngay lập tức có nhà thầu khác thế chân và tất nhiên có ưu tiên nhà thầu đã làm tốt các đoạn khác. "Với cách này, sẽ tránh đất nước bị phụ thuộc vào nhà thầu và trở thành lệ thuộc, con tin của nhà thầu. Nhà thầu nào có vấn đề, lý lịch có vấn đề, có "vết" các công trình khác thì phải loại ngay từ đầu" - ông Cường góp ý.
Dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: VEC
Về nguồn lực cho đường cao tốc Bắc - Nam, ông Hoàng Văn Cường hiến kế để khắc phục điểm yếu của các nhà thầu trong nước là nguồn lực tài chính có hạn thì các nhà thầu phải bắt tay nhau. "Số DN Việt Nam có năng lực thi công, kinh nghiệm làm hạ tầng giao thông không phải ít, vấn đề là họ có ngồi lại, bắt tay nhau để làm dự án lớn hay không. Tiến tới có thể liên kết với nhà thầu nước ngoài. Tất nhiên, nhà thầu nước ngoài phải có uy tín, nguồn lực" - ông Cường kiến nghị.
ĐB Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho rằng vấn đề mấu chốt hiện nay của dự án đường cao tốc Bắc - Nam là dự án dùng vốn ngân sách thì có nên chấp nhận nợ công tăng lên hoặc huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Ông Kiên đặt vấn đề: "Hình thức đầu tư BOT, BT, BCC (hợp đồng hợp tác kinh doanh)… là do nhà đầu tư đề xuất và nhà nước phải chọn phương án hài hòa nhất. Vấn đề là DN có đáp ứng tiêu chí như 2 tư vấn quốc tế Deloitte và Ernst & Young đưa ra ở dự án này hay không? Cụ thể, nhà thầu phải có nguồn vốn chủ sở hữu bằng 20% tổng dự toán công trình, trong 3 năm gần nhất đã thi công một công trình có vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% công trình dự kiến đấu thầu, đội ngũ nhân lực, vốn phải được ngân hàng cam kết cho vay bằng 50% tổng mức đầu tư dự án… Trong trường hợp Chính phủ bảo lãnh thì có nên tính vào nợ công và có cho nâng trần nợ công?...".
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, cơ sở hạ tầng không tạo ra đột phá thì tăng trưởng kinh tế khó đạt được GDP tăng 7%-8%/năm và đến năm 2030 không lọt vào nhóm những nước công nghiệp phát triển. "Với tâm lý xã hội hiện nay, làm BOT có được chấp nhận không? Làm BOT là chủ trương rất đúng. Muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thì Việt Nam phải phát triển cơ sở hạ tầng bằng hình thức BOT và không có cách nào khác. Xã hội cần có cái nhìn khác về dự án BOT giao thông" - ông Kiên chia sẻ.
Bình luận (0)