Vi phạm ắt bị xử lý. Biết sẽ bị xử lý nhưng tại sao những người nghèo khó kia vẫn đẩy xe ra đường đối mặt với lực lượng chức năng? Câu hỏi này khó có thể tìm câu trả lời rạch ròi đúng - sai. Và nó cũng không dừng lại ở chuyện vặt vãnh lấn chiếm lòng lề đường. Câu chuyện này mang tầm vóc lớn hơn, liên quan đến an sinh cho người nghèo, liên quan đến cơ hội tiếp cận những thành quả xã hội của cả quốc gia. Tương tự chuyện ngăn cấm người xin ăn ở một số địa phương, cấm cản thì dễ nhưng để họ không còn xin ăn là việc khó. Không có sự lựa chọn khác khi sự căn cơ về đời sống của họ đã mất.
Liệu trong chúng ta, ai đủ lạnh lùng trách người phụ nữ bán hàng rong kia vì đã vi phạm quy định? Ai đủ dũng cảm nhìn vào mắt ông lão để phán xét ông phải bị xử lý? Họ biết sai, họ trở nên hung dữ bởi cơm áo thúc ép. Xe hàng rong là lẽ sinh tồn, là đường đến trường của con cái, là an sinh của cha mẹ già. Họ không ra đường thì sẽ đến đâu để có thể lần hồi duy trì cuộc sống của gia đình? Tất nhiên, đây không phải là lý do để biện minh cho sự vi phạm nhưng nó đã phần nào phản ánh được góc khuất của cuộc sống mà những người nghèo kia chỉ là nạn nhân.
Đối nghịch những hình ảnh trên là hình ảnh những dãy ô tô đắt tiền đậu san sát dưới lòng đường, trước những quán nhậu, những nhà hàng sang trọng đã chiếm hết các vỉa hè ở ngay chính quận 1, TP HCM - nơi ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch quận này, đang ra quân dọn dẹp. Trong số chủ nhân của những chiếc xe, nhà hàng sang trọng kia, có người từng bị phạt. Họ cũng chẳng mấy quan tâm bởi số tiền này với họ chẳng bõ bèn gì, như một phần chi phí của cả cuộc rượu. Vì vậy, đường vẫn bị lấn chiếm, hè phố vẫn bị "xẻ thịt". Chỉ khác là thay vì có tiếng gào khóc của người phụ nữ nghèo thì chúng ta lại nghe tiếng cười khẩy của những người nhiều tiền hơn.
Cũng tại TP HCM, hàng loạt con đường đông đúc khác luôn bị ùn ứ bởi xe hơi thoải mái đậu. Những chiếc xe khách, taxi ngang nhiên được lập bến bất chấp sự bức xúc của người dân. Đó là những con đường đã được chính quyền nhiều địa phương bán quyền sử dụng lòng đường, mà tên gọi nghe mỹ miều hơn là phí đậu xe. Tất nhiên, người phụ nữ khốn khó và ông lão ốm yếu trên nếu có tiền, có ô tô thì họ sẽ dễ dàng tìm được một chỗ thoải mái cho mình. Nhưng từ lâu, họ đã vô vọng với chữ nếu này rồi.
TP HCM là thành phố bao dung và nghĩa tình. Nơi này luôn mở rộng vòng tay và cưu mang cho tất cả người con trên mọi miền đất nước. Nghĩa tình không phải là làm ngơ với sai trái, thỏa hiệp với những người nhiều lợi thế. Nghĩa tình chính là tạo cơ hội cho mọi người, để người nghèo có thể đường đường chính chính ra sức làm ăn lo cho con cái, phụng dưỡng cha mẹ già. Lúc đó, họ chẳng dám làm sai, chẳng thèm làm sai và cũng không phải rơi nước mắt nhìn món tài sản còm cõi của mình bị đưa đi.
Bình luận (0)