Ngày 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết 5 năm qua, nhà nước đã dành 21% ngân sách cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước Đông Nam Á. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ và chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đã hỗ trợ hơn 14,4 triệu người với tổng kinh phí hơn 33.000 tỉ đồng. Hằng năm, ngân sách nhà nước dành hơn 32.000 tỉ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi người có công và thân nhân. Hiện Việt Nam là một trong 10 nước có tỉ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên 64,5%. Đến nay, trên 90% dân số đã tham gia bảo hiểm y tế.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH thực hiện nghiêm túc quan điểm về chính sách xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"; trong đó khẳng định phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng đánh giá việc triển khai Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (gói 62.000 tỉ đồng) còn nhiều bất cập. Ngân sách đã có, phải "tiêu đúng, tiêu trúng, có hiệu quả", tránh tình trạng có tiền mà không giải ngân được. Vì vậy, bộ cần tập trung sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đề xuất các giải pháp phù hợp cho giai đoạn tới.
. Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bày tỏ một trong những điểm trăn trở nhất, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chỉ ra thách thức lâu nay là điểm nghẽn, mà ông ví von là 3 "lời nguyền", đó là sự manh mún, tự phát, nhỏ lẻ trong nền sản xuất nông nghiệp. "Nếu không giải quyết được lời nguyền này thì sự phát triển của nông nghiệp sẽ luôn đụng trần, cả về năng suất, sản lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh hàng hóa…". Do đó, việc phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã là câu chuyện sống còn, là nền tảng để vượt qua lời nguyền nêu trên.
Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải xác định trụ cột chính của ngành là nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Các trụ cột này sẽ góp phần tiếp tục ổn định chính trị và thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Người nông dân phải là chủ thể, là trung tâm. Mọi hoạt động của ngành phải xoay quanh người nông dân, phải nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho họ.
Bình luận (0)