"Phát biểu trực tiếp vào vấn đề, không bàn nữa. Cái gì thấy được thì nói được, cái gì chưa được thì nói tại sao và đề xuất giải pháp". Đó không chỉ là yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ chủ trì cuộc họp, mà còn là thông điệp thể hiện một phong cách hành động, nghe trực tiếp, bắt tay vào làm ngay.
TP HCM đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, vướng mắc, trong đó lớn nhất là sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH), hệ thống giao thông kết nối liên vùng với các tỉnh Đông và Tây Nam Bộ đang quá tải và đứt gãy. "Siêu TP" của cả nước đang mặc chiếc áo chật, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của trung tâm cả nước.
Là địa phương có tỉ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất, chiếm khoảng 27%, nhưng nghịch lý là tỉ lệ điều tiết ngân sách (khoản để lại) thấp nhất, chỉ chiếm 18%, so với các TP trực thuộc trung ương khác là Hà Nội được để lại 35%, Hải Phòng: 78%, Đà Nẵng: 68% và Cần Thơ: 91%.
Đáng lo ngại hơn là tổng nguồn thu ngân sách trên địa bàn của TP HCM đang có xu hướng thấp đi. Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và bảo đảm các chế độ, chính sách xã hội ngày càng tăng cao, gây áp lực lớn làm căng kéo ngân sách TP.
Năm nhóm vấn đề mà TP HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là những vấn đề bức xúc, mang tính then chốt cần tháo gỡ để tạo động lực phát triển. Nó liên quan chủ trương, cơ chế, chính sách cần hỗ trợ của trung ương như tăng cường phân cấp, phân quyền cho TP HCM, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách tạo động lực và tính chủ động đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, liên quan thẩm quyền quản lý đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù cho TP sáng tạo Thủ Đức.
Việc "soi lại túi tiền quốc gia" với yêu cầu xem xét lại tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM hợp lý hơn đang là yêu cầu tạo ra động lực mới. Yêu cầu đó phải đi kèm với môi trường đầu tư của TP phải được cải thiện tốt hơn nữa, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của TP phải là những điểm sáng của cả nước để thu hút đầu tư chất lượng hơn.
Điều quan trọng hơn là phải thực thi tốt nhất nhóm giải pháp nguồn vốn, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả trong nội bộ TP và với các địa phương nội vùng, liên vùng để tạo ra động lực mới, nguồn lực mới một cách mạnh mẽ. Và trong buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ủng hộ tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP HCM giai đoạn 2020-2025 là 23% thay vì 18% như hiện nay.
TP HCM đang đứng trước nhiều thách thức, nhưng cũng cần được xem là một cơ hội mới để tận dụng tạo ra nguồn vốn, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và đổi mới sáng tạo để đầu tư phát triển TP HCM. Nếu như sự năng động của TP HCM trong quá khứ và hiện tại, việc khai thác nguồn lực đầu tư là mô hình tốt cho các địa phương khác, thì việc tháo gỡ khó khăn cho TP thông qua cuộc làm việc đầu tiên mà người đứng đầu Chính phủ chọn như sự khai mở, đột phá, chính là trợ lực quan trọng để tạo ra động lực mới cho TP HCM phát triển.
Bình luận (0)