xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để chìm xuồng các vụ án tham nhũng

Tô Hà - Văn Duẩn - Phương Nhung

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định phải thay ngay những cán bộ không có kinh nghiệm điều hành, cán bộ giao việc mãi không chịu làm, cán bộ nhũng nhiễu, hành dân

Chiều 18-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành gần 3 giờ để trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về những vấn đề như: phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, công tác điều hành...

Chống tham nhũng: Trung ương làm gương

Đặt câu hỏi với Thủ tướng, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) băn khoăn về việc các vụ án tham nhũng, các vụ đại án có bị "chìm xuồng" không. Thủ tướng khẳng định Đảng, nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng; tiêu cực, cờ gian bạc lận hay các hiện tượng mà nhân dân lên án. "Chúng tôi cũng nói rằng không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để chìm xuồng các vụ án tham nhũng - Ảnh 1.

Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Tiến Lộc vào chiều 18-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chính phủ hành động là nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thiết lập kỷ cương" Ảnh: NGUYỄN NAM

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng nạn tham nhũng vặt, vòi vĩnh, làm khó người dân và doanh nghiệp khá phổ biến. "Cử tri nói "Đường rộng cũng ăn, đường hẹp cũng ăn; cho làm cũng ăn, không cho làm cũng ăn; nhà cao cũng ăn, nhà cắt ngọn lại càng ăn. Họ vận dụng luật một cách mềm dẻo và thật hợp lý để ăn". Đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?" - ĐB Trí chất vấn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để chìm xuồng các vụ án tham nhũng - Ảnh 2.

Còn ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp mang tính đột phá để chống tiêu cực, tham nhũng.

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng nhấn mạnh vấn đề tham nhũng ở đâu cũng có, không chỉ ở Việt Nam. Đảng coi việc chống tham nhũng rất quan trọng, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư chỉ đạo.

Vừa qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, từ xây dựng thể chế cho đến điều tra những vụ việc cụ thể để xử lý nghiêm, đồng thời đề xuất QH sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng. Tinh thần là "không thể - không nên - không có" trong vấn đề phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh giáo dục cán bộ, công chức, giám sát, xử nghiêm các vi phạm, trước hết là các cơ quan trung ương, địa phương cần phải làm gương. "Chúng tôi cũng đã báo cáo trung ương, QH tính toán xem xét nâng lương cho cán bộ, công chức. Đây cũng là biện pháp cần thiết trong tình hình tham nhũng vặt đang diễn ra" - Thủ tướng nói và cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh công khai, minh bạch, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng.

Khắc phục "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả"

Trả lời câu hỏi của ĐB Lê Thanh Vân rằng "Thủ tướng có hài lòng về kết quả điều hành năm 2017 hay không, Thủ tướng lo lắng nhất là vấn đề gì", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết năm 2017 là năm đầu tiên Chính phủ hoàn thành 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh... Chất lượng tăng trưởng khá hơn, môi trường kinh doanh tốt hơn nhưng đây chỉ là thành tích bước đầu, cần phải làm tốt hơn nữa bởi nền kinh tế quy mô còn nhỏ, liên tục phải đối diện với thiên tai, lũ lụt.

Bên cạnh những hạn chế đã được nhận diện như khả năng tụt hậu, diễn biến hòa bình, tham nhũng thì gần đây còn là diễn biến suy thoái trong đạo đức một bộ phận cán bộ, công chức.

Thực trạng "trên nóng, dưới lạnh", một bộ phận cán bộ, công chức còn hành dân, xa dân, quan liêu là vấn đề khiến Thủ tướng còn lo lắng, chưa hài lòng trong công tác điều hành.

Giải đáp chất vấn của ĐB Lê Hồng Tịnh (Hậu Giang) và cũng là thắc mắc của đông đảo cử tri cả nước vì sao tăng trưởng GDP quý III tăng vọt so với 2 quý đầu năm, Thủ tướng phân tích đầu năm tăng trưởng chậm có yếu tố "tháng giêng là tháng ăn chơi" và thủ tục hành chính rườm rà kìm hãm. Từ quý II trở đi, Chính phủ đã liên tục đề ra giải pháp tháo gỡ, quy trách nhiệm cá nhân trong khâu điều hành. "GDP quý III tăng như thế cũng là bình thường. Nhưng năm 2018 Chính phủ sẽ cố gắng khắc phục tình trạng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vất vả" - Thủ tướng cam kết.

Trước lo lắng của ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) về những hạn chế, bất cập trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Thủ tướng khẳng định năm 2018 sẽ tổng kết 30 năm thu hút FDI để rút kinh nghiệm.

Khu vực FDI đóng góp quan trọng vào phát triển của đất nước, xuất khẩu của FDI chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của đất nước, giải quyết việc làm cho 3 triệu lao động. Tuy nhiên, FDI còn một số tồn tại như công nghệ ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế FDI... Vì vậy cần phát triển mạnh mẽ FDI trên tinh thần cơ cấu lại ngành nghề, tính toán khi kêu gọi vốn, không phải đầu tư với bất cứ giá nào.

Thay thế ngay cán bộ giao việc không chịu làm

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nêu Thủ tướng và Chính phủ đã đưa ra thông điệp Chính phủ kiến tạo. Tuy nhiên, hiện còn nhiều cách hiểu khác nhau về thông điệp này. ĐB đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ kiến tạo là tuyên ngôn về tinh thần làm việc của Chính phủ hay là mô hình Chính phủ mới, những nội dung cốt lõi của Chính phủ kiến tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước phát triển, không rơi vào thế bị động. Thứ hai là nhà nước không làm thay thị trường, nhân dân; cái gì nhân dân làm tốt thì để nhân dân và xã hội làm. Ba là Chính phủ kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, phải vươn theo các nước phát triển. Bốn là nâng cao chất lượng giáo dục, y tế phục vụ người dân.

"Chính phủ hành động là nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thiết lập kỷ cương. Đặc biệt, phải thay ngay theo thẩm quyền những cán bộ không có kinh nghiệm điều hành, cán bộ giao mãi không chịu làm, làm chậm trễ để nhân dân đợi thì kiến tạo cái gì... Đây là hướng cần thiết để chúng ta xây dựng Chính phủ kiến tạo" - Thủ tướng khái quát.

ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đặt vấn đề một bộ phận người dân, doanh nghiệp than phiền họ bị phiền hà, nhũng nhiễu, thậm chí có tiêu cực, lót tay nhưng rất khó tố cáo, chỉ điểm vì sợ ảnh hưởng công việc. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các biểu hiện được ĐB Hương chỉ ra đã thể hiện năng lực, đạo đức của cán bộ. Trong khi đó, vì tâm lý an toàn, sợ mất chức, mất quyền nên những việc này không được giải quyết, làm chậm lại quá trình cải cách hành chính.

"Sắp tới, những bộ phận, đơn vị, cán bộ chậm giải quyết thủ tục cho dân, đòi lót tay, nhũng nhiễu phải bị thay thế ngay" - Thủ tướng khẳng định.

BOT còn nhiều bất cập

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) về BOT, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của xã hội hóa nguồn lực nhưng cũng thừa nhận BOT giao thông còn nhiều bất cập trong quy hoạch, triển khai ồ ạt; có những tuyến đường gây bức xúc về số trạm, giá, phí BOT.

Về giải pháp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng vẫn cần tận dụng nguồn lực xã hội, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để hệ thống pháp luật về BOT tốt hơn, rõ hơn, có cơ sở giám sát tốt hơn… Đồng thời kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian thu, mức phí, đấu thầu công khai, rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia; từ đó góp phần giảm chi phí, không chỉ định thầu bởi làm giảm hiệu quả đầu tư.

Kinh tế chuyển biến tích cực

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cập nhật tình hình kinh tế - xã hội. Theo đó, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều chuyển biến tích cực hơn.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 10 tăng 2,25% so với tháng 12-2016, bình quân 10 tháng tăng hơn 3,7%. Các chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Thu hút khách quốc tế vượt 10 triệu lượt, tăng trên 28%.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu tháng 10 đạt 20,29 tỉ USD, đưa tổng kim ngạch 10 tháng đạt 174,5 tỉ USD, tăng hơn 21%; xuất siêu 2,56 tỉ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 14,2 tỉ USD, tăng 11,8%. Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực".

Về cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, Chính phủ đã ban hành 14 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, tiến tới sử dụng mã số định danh cá nhân điện tử, bỏ sổ hộ khẩu giấy; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với trên 700 thủ tục hành chính.

Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30.000 người. B.T.TH

NHẬN XÉT

Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN:

Chất vấn sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm

4-ba-ngan

Thủ tướng và các trưởng ngành đã nghiêm túc trả lời đầy đủ, thẳng thắn, chỉ rõ trách nhiệm và nêu rõ các giải pháp, quyết tâm tạo ra sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới. QH ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị của Chính phủ, các thành viên Chính phủ.

Tuy nhiên, một số nội dung QH tiến hành giám sát, chất vấn còn chậm, cần có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá mạnh hơn để khắc phục hạn chế yếu kém, tạo chuyển biến trong thời gian tới. Nhiều yêu cầu của ĐBQH đặt ra đối với Chính phủ, các bộ, ngành và các ngành có liên quan, Ủy ban Thường vụ QH sẽ trình QH ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở giám sát triển khai thực hiện.

ĐB NGỌ DUY HIỂU (Hà Nội):

Đánh giá rất cao phát biểu của Thủ tướng

4-ngoduyhieu

Tôi đánh giá rất cao phát biểu của Thủ tướng khi khẳng định trong cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, không chìm xuồng. Điều này cho thấy sự quyết tâm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng, nhà nước.

Chứng minh điều này là thời gian qua, có nhiều vị trí lãnh đạo của nhiều địa phương, nhiều ngành có hành vi vi phạm pháp luật đã bị xử lý nghiêm minh. Tôi tin rằng tinh thần này, quyết tâm này sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

ĐB ĐẶNG THUẦN PHONG (Bến Tre):

Thủ tướng trả lời thẳng thắn

4-dang-thuan-phong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời thẳng từng câu hỏi của ĐB. Đặc biệt, Thủ tướng trả lời câu hỏi của ĐB Lê Thanh Vân là Thủ tướng chưa hài lòng trong việc điều hành Chính phủ.

Thực tế, Thủ tướng mới nhận nhiệm vụ một thời gian. Thủ tướng mong muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động nhưng chưa đạt được mong muốn vẫn còn tình trạng "trên nóng nhưng dưới lạnh". Thực tế đó đòi hỏi hàng loạt việc phải làm về kỷ cương, chế tài xử lý.

ĐB LÊ THANH VÂN (Cà Mau):

Thủ tướng rất cầu thị

4-thanh-van

Tôi khá hài lòng về trả lời của Thủ tướng và tôi cho rằng Thủ tướng rất cầu thị. Khác các vị bộ trưởng khác khi trả lời chất vấn, Thủ tướng "đơn thương độc mã" trong các câu trả lời của mình, mà không có trợ thủ nào cả. Phong cách đó thể hiện Thủ tướng nắm rất chắc vấn đề, chủ động… Tôi đánh giá cao việc này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo