Chiều 1-11, Thủ tướng đã có buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ (TTCP). Thủ tướng nhắc lại câu nói của Bác Hồ: "Thanh tra là tai mắt của trên, là bạn của dưới" và nhấn mạnh TTCP là cơ quan quan trọng của bộ máy nhà nước. Cơ quan thanh tra còn là niềm tin của nhân dân, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng bộ máy liêm chính. Tuy nhiên, TTCP tồn tại một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới để xứng đáng là cơ quan quan trọng của bộ máy nhà nước.
Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra tập trung đánh giá, tổng kết, tham mưu cho Đảng, nhà nước, nhất là cấp ủy chính quyền cơ sở, về những nguyên nhân, gốc rễ của tình trạng khiếu kiện hiện nay, từ đó yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải có biện pháp cụ thể, phù hợp, kịp thời để chấn chỉnh công tác giải quyết khiếu nại tố cáo. "Tại sao khiếu nại tố cáo vẫn tiếp tục phức tạp như vậy, nguyên nhân nằm ở đâu, tại sao kéo dài?" - Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng khiếu nại tố cáo chủ yếu trong một số lĩnh vực như đất đai, tham nhũng, tiêu cực... và còn một bộ phận cán bộ công chức vẫn thờ ơ, không chia sẻ với người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thanh tra Chính phủ
vào ngày 1-11 Ảnh: QUANG HIẾU
Về công tác thanh tra, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần minh bạch, khách quan, vô tư, thực hiện đúng quy chế làm việc của ngành; có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động của các đoàn thanh tra. Kết luận thanh tra phải sát, đúng, chặt chẽ, không thể kéo dài mãi, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kết luận thanh tra phải kiên quyết, đúng sai rõ ràng, không biến trắng thành đen, biến đen thành trắng; xử lý chặt chẽ, có lý, có tình, đúng pháp luật và rõ ràng. "Đừng để sau kết luận thanh tra, nhân dân, cán bộ - công nhân viên đã được thanh tra mất niềm tin về đoàn thanh tra rằng đoàn thanh tra đã bị thế này, thế khác, không làm đúng pháp luật, đúng bản chất vấn đề" - Thủ tướng lưu ý.
Qua thanh tra, công khai kết luận và đề xuất, kiến nghị xử lý nghiêm túc. Ngoài xử lý về tiền, tài sản, cần theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan việc sửa đổi cơ chế, chính sách. "Một là xử lý nghiêm, hai là kiến nghị về chính sách pháp luật mà chúng ta đã phát hiện ra. Đừng để chìm xuồng những vụ chúng ta đã làm, sẽ làm. Dư luận nhân dân mong muốn chúng ta làm nghiêm vấn đề này" - Thủ tướng yêu cầu.
Về công tác phòng chống tham nhũng, Thủ tướng đề nghị tham mưu chủ trương, chính sách qua thanh tra phát hiện bất hợp lý. Ngành thanh tra tiếp tục tập trung vào một số lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như xây dựng cơ bản, đất đai, công tác cán bộ... Nhìn nhận công tác xây dựng ngành là vấn đề lớn, Thủ tướng đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần xác định trách nhiệm nặng nề đối với ngành trong bối cảnh nội bộ ngành còn một số tồn tại như hiện nay.
Bình luận (0)