Chiều 9-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh dự báo ghi nhận tại cộng đồng liên quan đến một số ca bệnh có lộ trình di chuyển phức tạp.
Kết nối bệnh viện toàn quốc
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về tình hình lây lan dịch trong cộng đồng, trong đó có ca nhiễm ở Mê Linh và tình hình thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội khi hiện nay số lượng người ra đường đông, nhiều người không đeo khẩu trang. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia không nên dỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19 quá sớm nhằm tránh dịch bệnh bùng phát trở lại. Dự báo trong thời gian tới, có thể ghi nhận thêm một số trường hợp tại cộng đồng liên quan đến một số ca bệnh có lộ trình di chuyển phức tạp (như các bệnh nhân thứ 183, 237 và 243) và một số ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly như Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội), quán bar Buddha (TP HCM).
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, hiện có trên 70 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với năng lực sản xuất dự kiến hơn 5,7 triệu chiếc/ngày và 40.000 khẩu trang N95 (hoặc tương tự)/ngày. 40 doanh nghiệp khác sản xuất khẩu trang kháng giọt bắn, kháng khuẩn với tổng năng lực 7 triệu chiếc/ngày. Các doanh nghiệp đã sản xuất 30 triệu chiếc, trong đó đã xuất khẩu được 7 triệu chiếc.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp chuyển đổi số gấp rút hoàn hiện giải pháp và triển khai thử nghiệm nền tảng dùng chung trên nền công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), Big data… nhằm kết nối toàn diện các cơ sở khám chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc. Chương trình này dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại một số bệnh viện trước ngày 16-4, sau đó mở rộng triển khai toàn quốc từ ngày 18-4.
Kiểm tra sức khỏe người dân ra vào khu vực cư ngụ của bệnh nhân Covid-19 thứ 251 ở xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà NamẢnh: THANH TUẤN
Không về nước trước ngày 15-4
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện gần 4 tỉ người ở 90 quốc gia, gần 50% dân số thế giới đang được yêu cầu ở nhà để phòng chống Covid-19. Nhiều nước thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, cả xử lý hình sự đối với người ra đường không đúng quy định. "Mọi người dân phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, ai không thực hiện thì xử phạt nghiêm, phê phán cá nhân, tập thể vi phạm" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Về ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 16, tiếp tục giữ chặt biên giới, hạn chế người từ nước ngoài vào Việt Nam trừ một số trường hợp đã được nêu trong các văn bản trước đó. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay, tạm dừng các chuyến bay quốc tế trừ chở hàng và công tác bảo hộ công dân được sự cho phép của Thủ tướng. Hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa.
Đáng chú ý, tiếp tục khuyến cáo công dân ở các nước không về nước trước ngày 15-4 trừ một số trường hợp đặc biệt. Với tất cả người nhập cảnh Việt Nam đều thực hiện cách ly từng đối tượng cụ thể. Bộ Y tế mở các kênh tư vấn bảo vệ sức khỏe cho người dân đang sinh sống, làm ăn ở nước ngoài qua hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến.
Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế có nhận định, đánh giá tình hình sát, đúng để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc có hay không tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 sau thời hạn 15-4 vào phiên họp sau.
Bộ Y tế phát hiện sớm, khoanh vùng, dập dịch là yêu cầu cấp bách. Cần tăng cường năng lực xét nghiệm, bảo đảm các tỉnh, thành phố thực hiện việc xét nghiệm theo phương châm "4 tại chỗ". Từ trường hợp Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện khác, cần chú trọng phòng ngừa lây nhiễm virus gây ra Covid-19 cho các nhân viên y tế. Bộ Y tế cần có hướng dẫn kỹ lưỡng việc cách ly đối với nhân viên y tế nếu xảy ra ở quy mô lớn hơn để bảo đảm có đầy đủ nhân viên y tế làm việc.
Đặt hàng dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán Covid-19
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến đối với đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế về việc giao cơ sở y tế tư nhân thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán Covid-19. Cụ thể, Thủ tướng đồng ý về chủ trương cho phép được đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 như đề nghị của Bộ Tài chính. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định về việc đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định 32/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận (0)