Ngày 8-1, HĐND TP HCM, Đài Truyền hình thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố đã phối hợp tổ chức chương trình "Dân hỏi - Chính quyền trả lời" tháng 1-2023 với chủ đề "Xuân Quý Mão 2023: An vui - Nghĩa tình".
Chung sức chăm lo
Tại chương trình, cử tri thành phố đặt nhiều câu hỏi liên quan việc chăm lo Tết - nhất là công nhân, người lao động. Cử tri cũng nêu mối quan tâm về hàng hóa, công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy, nổ dịp Tết Nguyên đán…
Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tháng 1-2023 với chủ đề “Xuân Quý Mãi 2023: An vui - Nghĩa tình” tổ chức sáng 8-1
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết với phương châm "Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động", LĐLĐ thành phố đã lên kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Quý Mão 2023 cho đoàn viên Công đoàn, người lao động… với 8 chương trình trọng tâm. Cụ thể, chương trình "Tết sum vầy - Xuân tri ân" chăm lo cho 10.000 hộ gia đình đoàn viên Công đoàn, công nhân; "Tấm vé nghĩa tình - Tết đoàn viên" tặng khoảng 30.000 vé tàu, vé xe, vé máy bay; thăm chúc Tết 100 gia đình công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Tổng kinh phí chăm lo khoảng 140 tỉ đồng.
Một hoạt động khác, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Lê Như Trang cho hay thành phố thực hiện chỉnh trang, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, nghĩa trang chính sách, các nhà bia tưởng niệm và tổ chức viếng trong dịp Tết; tổ chức họp mặt, thăm cán bộ lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ trí thức, gia đình chính sách, hộ nghèo… Tổng kinh phí các hoạt động chăm lo này là gần 927 tỉ đồng - tăng khoảng 10% so với Tết Nhâm Dần 2022.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM, nhấn mạnh với tinh thần không để hộ dân nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đón Tết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch từ sớm. Từ đó, phối hợp với các ngành liên quan, tổ chức chính trị - xã hội rà soát, lập danh sách các diện được chăm lo Tết, tránh bỏ sót cũng như hạn chế trùng lắp.
Tổng kinh phí chăm lo Tết Quý Mão 2023 là hơn 46,5 tỉ đồng. Trong đó, tập trung chăm lo gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, công nhân, người lao động; thăm, tặng quà các đơn vị quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển đảo Tổ quốc; thăm các cơ sở từ thiện…
Không chủ quan trước dịch bệnh
Nói về tình hình an ninh trật tự, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, thông tin theo quy luật, thời điểm cuối năm tội phạm sẽ gia tăng hoạt động. Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, từ tháng 11-2022, Công an TP HCM đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tuyệt đối an toàn Tết Quý Mão.
Một nhiệm vụ quan trọng là tập trung đấu tranh với các băng nhóm tội phạm hình sự có hoạt động bảo kê, tín dụng đen, đòi nợ thuê; các đối tượng hoạt động xâm phạm sở hữu tài sản như cướp, cướp giật, trộm cắp… Công an đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện thường trực sẵn sàng 24/24 giờ nhằm bảo đảm xử lý nhanh, kịp thời các sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ.
Về hàng hóa dịp Tết, lãnh đạo Sở Công Thương nhấn mạnh thành phố có đủ nguồn hàng phục vụ người dân. Giá bán bảo đảm thấp hơn thị trường 5% - 10% so với sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng.
"Trong mọi tình huống, thành phố luôn bảo đảm nguồn cung, bảo đảm lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối, sẵn sàng phương án bán hàng lưu động…, không để xảy ra khan hàng, sốt giá, đầu cơ trục lợi" - lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhìn nhận các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm đã triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị, chăm lo chu đáo cho người dân dịp Tết Quý Mão 2023. Điều đó cho thấy TP HCM không để ai bị bỏ lại phía sau và nỗ lực để mọi người dân đều có Tết ấm áp, an vui, nghĩa tình.
Ông Dương Anh Đức yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tập trung thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch COVID-19; không chủ quan, mất cảnh giác với các nguy cơ dịch bệnh. Bên cạnh đó, chăm lo Tết đầy đủ cho các đối tượng. Trong đó, tổ chức chăm lo chu đáo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, nhất là người không có điều kiện về quê đón Tết. Ngoài ra, các đơn vị tổ chức những hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi - giải trí gắn với hoạt động lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán chu đáo, an toàn, tiết kiệm.
Với phương châm "Tết yên vui - đầm ấm - an toàn - tiết kiệm", Phó Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị người dân vui xuân, đón Tết một cách an toàn, lành mạnh; không tham gia các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan và hơn hết là giữ gìn, bảo đảm sức khỏe để khởi đầu một năm mới may mắn, thuận lợi.
Bắn pháo hoa tại 6 điểm vào đêm giao thừa
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM Võ Trọng Nam cho biết Tết Nguyên đán 2023, thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 6 điểm vào đúng thời khắc giao thừa.
Trong đó, một điểm bắn tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức); 5 điểm tầm thấp tại: Đền Tưởng niệm di tích Bến Nọc (TP Thủ Đức), Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11), xã Cần Thạnh (huyện Cần Giờ), Khu Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi) và Khu Tưởng niệm liệt sĩ Mậu Thân 1968 tại huyện Bình Chánh. Pháo hoa được bắn trong 15 phút, từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 22-1 (mùng 1 Tết); kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Bình luận (0)