Thống kê tại TP HCM hiện có 108 điểm có hoạt động đón, trả khách trước trụ sở hoặc trong khuôn viên trụ sở các đơn vị vận tải, 6 điểm khác tổ chức tại khu vực các cây xăng, tuyến đường, bãi xe... Con số này tăng 25 điểm so với cùng kỳ năm 2018 và những hoạt động đón, trả khách này còn được gọi là xe khách trá hình hay "xe dù, bến cóc".
Đủ "chiêu" lách luật
Trong danh sách liệt kê, quận 5 bị "điểm mặt" có hoạt động đón, trả khách nhiều nhất với 47 điểm. Kế đến là quận Tân Bình (11 điểm), quận 1 (10 điểm), quận 10 và Bình Thạnh (cùng 9 điểm). Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP, năm 2018 thanh tra giao thông xử lý 1.870 vụ vi phạm với số tiền xử phạt hơn 2,5 tỉ đồng. Riêng 10 tháng của năm 2019, đơn vị đã xử lý 1.601 vụ với số tiền xử phạt hơn 2,1 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tại quận Bình Thạnh, 2 bãi xe số 391 và 397 đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn đối diện Bến xe Miền Đông (phường 26), vẫn đang như một bến xe thu nhỏ, dù đăng ký là bãi xe. Tình trạng này đã tồn tại hơn chục năm nay nhưng vẫn tái diễn và đặc biệt phức tạp vào các dịp lễ, Tết khi nhu cầu đi lại tăng cao. Thậm chí, tại khu đất số 397 còn có hiện tượng lấn sông để mở rộng quy mô, từng nhiều lần bị UBND quận Bình Thạnh quyết định xử phạt do san lấp, lấn rạch thoát nước công cộng.
Xe khách dừng, đỗ dưới lòng đường Điện Biên Phủ, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh tới cầu Sài Gòn (TP HCM) để đón, trả khách
Sở GTVT TP cho biết trên địa bàn TP hiện có 952 đơn vị với 73.589 phương tiện hoạt động theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách. Trong số đó chỉ 60 đơn vị hoạt động theo dạng tuyến cố định và có 926 đơn vị kinh doanh theo hợp đồng, còn lại 59 đơn vị kinh doanh xe du lịch. Tất cả 952 đơn vị trên đều do Sở GTVT cấp phép kinh doanh vận tải theo quy định.
Thế nhưng, Sở GTVT đánh giá xe khách chạy hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, dù quy định không được bán vé dưới mọi hình thức nhưng lại đang phổ biến vi phạm. Đó là tự bán vé, thu tiền hoặc xác lập đặt chỗ; đón, trả khách tại văn phòng hay các địa điểm trên hành trình xe chạy. Trong khi nếu những tuyến đường cấm dừng đỗ, nhà xe lách luật bằng cách đưa phương tiện vào khuôn viên văn phòng để đón, trả khách. Sở GTVT nêu thực trạng nhiều đơn vị hoạt động theo tuyến cố định ở các bến xe nhưng vẫn bán vé bên ngoài, dẫn đến cơ quan chức năng khó kiểm soát giá vé, hành khách và số lượng vé được bán... Chưa kể, nhiều xe có tuyến cố định và hợp đồng nhưng cũng lách luật bằng việc đón khách lẻ ở ngoài. Từ đó, ngoài tình trạng lộn xộn, mất an toàn tại các "bến cóc, xe dù" ngày thường thì nhiều năm qua, dịp lễ, Tết, giá vé cũng khó kiểm soát, bị doanh nghiệp nâng giá vô chừng, thậm chí cao hơn nhiều lần giá vé ở các bến xe được các cơ quan chức năng quy định và công bố.
"Mỗi dịp lễ, Tết, giá vé được quy định một đằng nhưng hành khách khi mua phải trả một nẻo, cao hơn và thậm chí gấp nhiều lần giá vé đã công bố, trừ một số hãng xe uy tín. Nhưng chính vì đỏ mắt mới mua được tấm vé của xe chất lượng ổn, chặng đường đúng nhu cầu nên tôi cũng đành bấm bụng để mua" - anh Dương Thanh (công nhân ở Khu Công nghiệp Tân Bình) thở dài.
Thiếu quyết liệt?
Quy định xe khách chạy dạng hợp đồng, du lịch, vị trí đón, trả khách được ghi trên hợp đồng và giá vé cũng tùy thuộc vào thỏa thuận của hợp đồng đó. Tuy nhiên, thực tế, nhiều nhà xe đăng ký kinh doanh vận tải theo hợp đồng hoặc du lịch nhưng các vị trí đón, trả khách, lộ trình xe chạy... lại không khác gì tuyến cố định. Vấn đề này, Sở GTVT cũng có đánh giá hiện nhiều nhà xe, dù đăng ký chạy hợp đồng, du lịch nhưng trên website lại công khai hẳn giá vé, tuyến đường hoạt động...
Ghi nhận thực tế về tình trạng trên cũng cho thấy như đường Điện Biên Phủ, đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến cầu Sài Gòn (quận Bình Thạnh), khoảng 1 km nhưng hàng loạt nhà xe lớn có văn phòng bán vé và thường xuyên đón, trả khách hay xếp dỡ hàng hóa dưới lòng đường. Trên website của nhiều đơn vị hoạt động tại đây cũng công bố cụ thể giá vé, lịch trình xe chạy... Hồi cuối năm 2016, đường Điện Biên Phủ tại khu vực trên, từ cây xăng Comeco đến cầu Văn Thánh, cũng đã tổ chức cấm các loại xe khách trên 16 chỗ dừng, đỗ từ 6 giờ đến 20 giờ, thế nhưng nhiều xe vẫn đón, trả khách dưới bảng cấm.
Vừa qua, Sở GTVT áp dụng cấm hoàn toàn xe khách dừng đậu ở đoạn đường trên nhưng không ít xe vẫn dừng đón, trả khách. Ban ngày, nhiều nhất là các nhà xe như Cường Thủy, Kim Mạnh Hùng, Võ Cúc Phương... Còn ban đêm, vị trí gần giao lộ với đường Nguyễn Văn Thương (D1 cũ), điểm bán vé của nhà xe Thành Bưởi cũng liên tục có tình trạng xe khách dừng, đỗ để đón khách.
Một trong nhiều nguyên nhân được Sở GTVT TP đưa ra khiến tình trạng "xe dù, bến cóc" vẫn phức tạp là do một số địa phương chưa quyết liệt trong việc rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm, dù lãnh đạo TP đã có chỉ đạo. Mặt khác, Sở GTVT cũng cho rằng một số văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa được điều chỉnh. Ngoài ra, các bến xe liên tỉnh cũng chưa có nhiều ưu đãi để thu hút nhà xe vào hoạt động, một số hành khách không có thói quen vào bến xe mua vé...
Trước những vấn đề trên, giải pháp trước mắt được Sở GTVT đưa ra là sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, áp dụng hạn chế ôtô trên 16 chỗ lưu thông, dừng đón, trả khách ở một số tuyến đường phức tạp. Đồng thời, đầu tư hệ thống camera phục vụ việc phạt nguội... Sở GTVT cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô...
Xe trá hình, chèo kéo khách ở sân bay
Theo Sở GTVT TP HCM, tình trạng xe khách kinh doanh vận tải theo dạng hợp đồng ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hiện có chiều hướng tăng, chủ yếu hoạt động theo tuyến từ sân bay đến Vũng Tàu và ngược lại. Các hãng xe thường xuyên cử người túc trực ở nhà ga để chào mời, chèo kéo khách. Trước đó, hồi năm 2018, hiện tượng trên đã rộ lên, gây mất trật tự ở sân bay và Sở GTVT đã có văn bản đề nghị các bên liên quan phối hợp xử lý.
Bình luận (0)