Sáng 18-6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh một số đại biểu (ĐB) đồng thuận với đề xuất bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ" là biện pháp cưỡng chế mới vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì rất nhiều ĐB phản đối quy định này.
Cắt điện rất dễ nhưng hậu quả rất lớn
Theo ĐB - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Luật Xử lý vi phạm hiện hành đã có hơn 23 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bổ sung biện pháp cắt điện, nước cho thấy cơ quan công quyền của chúng ta rất yếu kém. Cắt điện thì rất dễ làm nhưng hậu quả để lại rất lớn bởi điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An: "Nhiều người có thể nhịn ăn 1 - 2 ngày nhưng không thể chịu được mất điện, nước 1 ngày”. Ảnh: NGUYỄN THẾ
"Trong trại tạm giam còn phải xây cả bể nước cho tù nhân sử dụng. Nhiều người có thể nhịn ăn 1 - 2 ngày nhưng không thể chịu được mất điện, mất nước 1 ngày" - ĐB Nguyễn Hữu Cầu nói.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhận định việc cắt điện, nước thể hiện sự bất lực của chính quyền và lực lượng chức năng. "Đây là biện pháp không có tính nhân văn. Có những trường hợp người không liên quan tới hành vi vi phạm hành chính đó lại trở thành nạn nhân. Chúng ta làm luật nhưng phải phù hợp với thực tiễn, phải nhìn nhận những vấn đề đó. Nóng 39-40 độ C, lại cắt điện nước, chưa kể có những người không liên quan tới hành vi hành chính. Tôi nghĩ không nên" - ĐB Cương nói.
Nếu áp dụng phương pháp này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương đề nghị chỉ nên áp dụng trong lĩnh vực xây dựng chứ không nên áp dụng với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Đề xuất phạt lao động công ích
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định hình thức phạt lao động công ích vào dự thảo luật. Theo bà Mai Hoa, hình thức xử phạt này đã được quy định trong Nghị định 143 năm 1977 và Pháp lệnh 15 QH khóa X năm 1999 về lao động công ích.
Nữ ĐB cho rằng việc áp dụng hình thức xử phạt này tác động trực tiếp tới những người vi phạm vì hình thức lao động là không thể thay thế được, còn tiền bạc hoàn toàn có thể thay thế, thậm chí vay mượn để nộp phạt. Bên cạnh đó, việc thi hành xử phạt này hình thành ý thức pháp luật, qua đó người vi phạm nhận thấy trách nhiệm, bổn phận của mình đối với cộng đồng và thúc đẩy quá trình tái hòa nhập xã hội.
Từ đó, ĐB Mai Hoa kiến nghị phải có cơ chế giám sát rõ ràng và quy định rõ lao động công ích thì lao động những việc gì, thời gian bao lâu và phải có cơ chế bảo vệ người vi phạm nhằm tránh nguy cơ lạm dụng hình thức lao động công ích để xâm hại quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đồng ý với ĐB Mai Hoa, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng đề nghị chỉ áp dụng hình phạt buộc lao động công ích với các đối tượng vi phạm từ 16-30 tuổi.
Đồng ý tăng mức tiền phạt tối đa đối với 10 lĩnh vực mà dự thảo đề nghị, ĐB Phan Thị Bình Thuận (TP HCM) cho biết hiện quy định xử phạt bằng tiền phổ biến nhất, do đó cần cân nhắc quy định mức cụ thể đối với từng hành vi, từng lĩnh vực cho phù hợp. "Mức phạt phải đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm, bởi phạt quá thấp thì không đủ sức răn đe nhưng phạt quá cao thì không khả thi" - ĐB Bình Thuận nói.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM, kiến nghị Chính phủ và ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát tăng mức tiền tối đa xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của chức danh chủ tịch UBND cấp xã, huyện để bảo đảm yêu cầu xử lý kịp thời, ngăn chặn ngay các hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn. Dự thảo đã nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe và phù hợp với tình hình mới nhưng chưa điều chỉnh thẩm quyền xử phạt cho phù hợp.
Hôm nay (19-6), QH làm việc ngày cuối cùng của kỳ họp và họp phiên bế mạc.
Không nên cai nghiện ma túy bắt buộc với trẻ
Với quy định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, tại khoản 5 điều 92, ĐB Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, cho biết ở cách tiếp cận theo chuyên ngành công tác xã hội với người sử dụng chất gây nghiện và công tác xã hội với trẻ em, bà thấy rằng cần hết sức cân nhắc về quy định này trước khi trở thành điều khoản chính thức của luật.
Trường giáo dưỡng là nơi áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, với những hành vi có dấu hiệu tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Vì thế, nữ ĐB cho đây là một quy định chưa phù hợp về chính sách đặc biệt dành cho trẻ, nghĩa là chỉ tập trung biện pháp can thiệp cứng rắn trước mắt, nếu chỉ chú trọng vào giải quyết hậu quả thì sẽ thiếu tính đồng bộ và cũng không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em. ĐB Minh Hiền cho rằng khi chưa có đánh giá tác động, dự kiến nguồn lực và các điều kiện bảo đảm thi hành thì trước mắt vẫn cần tiếp tục áp dụng các biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng chống ma túy hiện hành.
Quy định "trói tay" lực lượng cảnh sát môi trường
Ngày 18-6, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Môi trường năm 2014 khi thực tiễn đặt ra ngày càng nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách cần phải giải quyết.
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị bổ sung quy định xử lý giảm thiểu thải khí thải tác động xấu đến môi trường. Định lượng giảm thiểu như thế nào để được xem là bảo đảm không còn tác động xấu đến môi trường. "Theo tôi, cần quy định minh bạch quy định này để thuận lợi trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, tránh tình trạng người dân phản ánh là ô nhiễm không hít thở nổi" - ĐB Hương nhấn mạnh.
Lo ngại về vấn đề bảo vệ môi trường không khí ở đô thị, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, cho rằng dự thảo luật cần quy định rõ chính sách bảo vệ môi trường các thành phố lớn, khu dân cư, nhất là các khu vực thường xuyên chịu áp lực của ô nhiễm do khói bụi. Trong đó, cần quy định rõ tỉ lệ trồng rừng, tỉ lệ xây dựng công viên các thành phố lớn theo quy hoạch xây dựng và đề nghị bổ sung giải pháp xây dựng và bảo vệ môi trường không khí đô thị, nhất là khu vực thường xuyên chịu áp lực ô nhiễm.
Tham gia góp ý kiến hoàn thiện về điều 174 về quy định kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực môi trường của dự thảo luật, ĐB Nguyễn Minh Đức (TP HCM) cho rằng quy định lực lượng cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu hoạt động phạm tội, có tố giác, tin báo tội phạm về môi trường, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt là chưa phù hợp.
Nếu quy định này đi vào thực tế thì một số quy định trong Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và một số văn bản pháp luật khác sẽ không được thực thi. Bởi lẽ, khi muốn tiến hành kiểm tra thì phải xin ý kiến và theo kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc của chủ tịch UBND của tỉnh đó. Trong khi đó, phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường đòi hỏi phải nhanh chóng, kịp thời và bảo đảm yếu tố bí mật, bởi vì có sử dụng các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng công an.
"Quy định này sẽ làm bó tay lực lượng chức năng. Tội phạm vi phạm pháp luật môi trường chắc chắn sẽ lợi dụng để thực hiện. Điều khoản này cần sửa lại để phù hợp hơn" - ĐB Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Cùng ngày, với 93,17% ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo Nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.880.029.177 triệu đồng, bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2017, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.869.791.887 triệu đồng, bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2018 sang năm 2019. Bội chi ngân sách nhà nước là 153.110.403 triệu đồng, bằng 2,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP), không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và trả nợ gốc là 284.806.197 triệu đồng.
Minh Chiến - Văn Duẩn
Bình luận (0)