Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tham dự hội nghị. Đây là lần thứ 2 người đứng đầu Đảng và nhà nước dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ.
Lo ngại dừng thanh toán dự án BT
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lạc quan khi nêu con số tăng trưởng năm 2018 đạt GDP 7,08% - mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Những rào cản làm kinh tế tư nhân không bứt phá được, đặc biệt là kinh tế hộ khó chuyển đổi thành doanh nghiệp; những nút thắt của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đầu tư vào nông nghiệp...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự, chủ trì hội nghị Ảnh: CHINHPHU.VN
Cũng tại hội nghị, một số địa phương bày tỏ lo ngại trước việc dừng thanh toán cho các dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Ở đầu cầu TP Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cho biết địa phương đã ký hợp đồng với một số nhà đầu tư BT để triển khai các dự án có khối lượng xây dựng hoàn thành khá lớn. TP cũng đã chuẩn bị đất đai để thanh toán. Tuy nhiên, quyết định của Bộ Tài chính tạm dừng thanh toán cho các dự án BT khiến TP bị phạt do không thể thanh toán. Mức phạt hợp đồng tương ứng lãi suất 7,8%/năm.
Cùng chung lo lắng, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, nêu tình trạng nhiều dự án trên địa bàn đã chậm lại do việc dừng thanh toán tài sản công cho các dự án. Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ xem xét thực tế và sớm ban hành các nghị định liên quan để tháo gỡ vướng mắc này.
Trước băn khoăn của lãnh đạo các địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng việc dừng thanh toán tài sản công cho các dự án BT là do vấn đề này rất nhạy cảm, rất dễ xảy ra tham nhũng tiêu cực. Đối với các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói quá trình triển khai Luật Quản lý tài sản công, bộ đã tích cực nghiên cứu trình các cấp thẩm quyền những nghị định liên quan. Đối với nghị định hướng dẫn về thanh toán BT, bộ đã trình Chính phủ và dự kiến Thủ tướng ký ban hành vào tháng 1-2019.
Phát triển bền vững trên 3 trụ cột
Ngay từ khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quán triệt tinh thần làm việc với các địa phương là không "kể công", dành thời gian để kiến nghị cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục bất cập tại địa phương.
Trên tinh thần đó, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đề nghị sớm kết thúc việc thanh tra, điều tra các vụ án trên địa bàn TP để địa phương có điều kiện tập trung thời gian và nguồn nhân lực giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng sớm phê duyệt khu phức hợp giải trí cao cấp tại Vân Đồn, trong đó có casino. Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh một số nghị định, thông tư theo hướng tạo điều kiện mạnh mẽ cho TP tự chủ, chủ động thực hiện các quy trình thủ tục phù hợp với khả năng cũng như tình hình thực tiễn tại địa phương.
Ghi nhận những kiến nghị trên, Thủ tướng cho rằng các địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, bất cập chứ không được "ngủ quên trên vòng nguyệt quế". "Phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới từ đô thị hóa, công nghệ, du lịch… Bên cạnh đó là nâng cao năng suất, trình độ lao động và cải thiện hạ tầng" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng nhấn mạnh năm 2019 sẽ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội với phương châm 12 chữ: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá". Theo Thủ tướng, Việt Nam phát triển nhanh nhưng phải bền vững, bảo đảm nguyên tắc 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.
Kiên quyết chống tham nhũng, chạy chức, chạy quyền
Trong lần thứ hai tham dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các kết quả mà Chính phủ, địa phương đạt được trong năm 2018; đồng thời chỉ ra một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong năm 2019, như củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự xã hội...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt yêu cầu các cấp, các ngành chú trọng đến công tác cán bộ. "Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn; phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức..." - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Bình luận (0)