Gia đình là cái nôi ấp ủ yêu thương, là trường học đầu tiên giáo dục cách sống và hình thành nhân cách; đó cũng là mảnh đất nhỏ gieo mầm nhân ái, đức hạnh và khoan dung. Ngay cả khi mọi thứ trở nên bế tắc, chỉ một vài người luôn đứng bên cạnh bạn không một chút đắn đo thì đó chính là gia đình chứ không phải ai khác. Sâu xa hơn, gia đình là nơi lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc và văn hóa gia đình; nơi tiếp nhận những giá trị tư tưởng nhân văn, tiến bộ cũng như kỹ năng tổ chức cuộc sống trong xã hội hiện đại. Biết cách dồn nén sức nặng gia đình vào từng chữ, nhà văn Pháp Andre Maurois đã nắn nót những lời ngắn ngủi đầy sức khái quát và ngân vang: "Không có gia đình, con người cô độc giữa thế giới, run rẩy trong giá lạnh".
Vậy gia đình có thật là ngôi nhà an toàn cho ta trú ngụ trong cuộc đời?
Sẽ không có gì để "chụp cắt lớp" gia đình nếu cái tế bào của xã hội kia luôn phát triển khỏe mạnh trong một cơ thể cường tráng, đặc biệt nếu nó không gây ra những trận cuồng phong và cả sóng ngầm với hệ lụy khó đoán định.
Không một gia đình nào hoàn hảo. Vẫn có bất đồng, vẫn có xung đột - cả nóng và lạnh, kể cả sự dửng dưng đến ngộp thở. Nhưng cuối cùng thì những người "cai quản" vẫn biết cách làm cho biển êm, sóng lặng. Vấn đề lớn cần soi rọi ở đây là nhiều gia đình Việt Nam đã không có điểm dừng như vậy.
Trước một thiết chế xã hội đặc thù đang bị va đập và rung lắc dữ dội, thử một lần nữa nhìn sâu vào gia đình với 3 "lát cắt" lớn: độ gắn kết gia đình, bạo lực và ly hôn.
Xã hội hiện đại rõ ràng đang đẩy con người vào cuộc chạy đua để sống, kiếm tiền và cạnh tranh khốc liệt khiến những trụ cột của gia đình khó mà cưỡng lại cơn lốc. Sự quan tâm nhau trở nên hời hợt, bữa ăn gia đình nếu có cũng qua loa, chóng vánh, để rồi con cái trở thành nạn nhân đầu tiên với không ít hiểm nguy kề cận. Những đứa trẻ bắt đầu chán học rồi bỏ học; cùng với bạn bè chung cảnh ngộ tập tành hút thuốc, đánh bạc, uống bia rượu, đi đêm; dấn thêm một bước dài, thiếu niên bị cuốn vào hút xách, trộm cướp còn thiếu nữ thì sa bẫy mại dâm… Thử hình dung, những con người cô đơn, hiểu biết hạn chế với gánh nặng ký ức đau buồn, thù hận như thế sẽ trở thành người cha, người mẹ tương lai ra sao?
Từ chỗ thiếu vắng hơi ấm gia đình, không quan tâm, không trao đổi, bạo lực hiển nhiên xuất hiện như một bệnh dịch mà phổ biến nhất là chồng đánh đập, ngược đãi vợ con. Những ngôi nhà tạm lánh cho nhiều phụ nữ và em gái bị bạo hành nói lên điều gì trong thời kỳ nhộn nhịp của cách mạng công nghiệp 4.0? Càng trớ trêu, giữa bức tranh nặng nề đó còn nổi bật những vệt đỏ nham nhở của các vụ vợ chồng giết nhau bằng cách thức man rợ nhất chỉ có thể thấy ở thời Trung cổ! Chính bản chất hung hăng, ăn chơi, nghiện ngập, thiếu kỹ năng ứng xử lại có bia rượu tiếp sức mới là nguyên nhân của hàng loạt bi kịch gia đình chứ không chỉ do nghèo đói và ghen tuông. Với vài chục ngàn vụ bạo lực gia đình mỗi năm, đất nước mà chúng ta vẫn tự hào là hiếu hòa đang thật sự đứng ở đâu trong thế giới văn minh này?
Ly hôn là một dạng bi kịch khác trong gia đình với khoảng 80% trường hợp có nguyên nhân từ bạo lực. Tại TP HCM, điều gì đã xảy ra khi cứ bình quân gần 3 trường hợp kết hôn lại có một vụ ly hôn mà đáng lo nhất là tình trạng nói lời chia tay chớp nhoáng trong giới trẻ, với độ tuổi dưới 35 chiếm đến gần 1/3? Có những đôi vợ chồng chỉ kéo dài cuộc hôn nhân vỏn vẹn 2 tháng. Họ dễ dàng đến rồi dễ dàng đi, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội mà đáng lo nhất là những biểu hiện dửng dưng với các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có lòng chung thủy.
Khi 3 yếu tố xương sống của gia đình bị trọng thương thì lời báo động khẩn thiết phải được người người đồng thanh và tất nhiên, những thiết chế "đại diện xã hội" ở tầm cao - giáo dục, văn hóa, phụ nữ… - không thể thờ ơ đứng ngoài cuộc. Theo cách hiểu đơn giản, những tế bào cơ thể được coi là ung thư khi chúng phát triển vô tổ chức và có thể xâm lấn các mô khác; vậy các tế bào xã hội mang tên "ly hôn" sẽ như thế nào? Ít nhất, đó cũng là vết thương lòng dai dẳng, ngấm sâu với nhiều hệ lụy!
"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm". Câu nói đầy hình ảnh mà ông cha ta thường đưa ra khuyên dạy có lẽ cần phải được cập nhật cho hợp với hoàn cảnh. Bởi lẽ, xã hội đang phát triển nhanh, xây tổ ấm không còn là công việc nhẹ nhàng để chỉ một mình đàn bà lo liệu mà phải là nhiệm vụ cùng gánh vác của cả hai vợ chồng. Nó đòi hỏi họ phải là những người trách nhiệm, có đủ tri thức về hôn nhân và cuộc sống để chèo lái, tạo lập một mái ấm vừa vững chắc nền móng vừa ấm nóng tình cảm và sự tin cậy trong gia đình.
Khi xây dựng "tổ ấm" không còn là việc riêng của đàn bà, chúng ta có quyền hy vọng lòng tin và sức sống mới trong nhiều gia đình sẽ được tạo dựng giữa ngập tràn sắc Xuân.
Gia đình là điểm xuất phát và là nơi quay về.
Bình luận (0)