Tuy nhiên, phải phân tích, điều tra thật kỹ để xác định nguyên nhân của ca bệnh dương tính sau khi hết thời hạn cách ly 14 ngày và đã qua 3 lần xét nghiệm đều âm tính.
Phân tích nguyên nhân của một số trường hợp mắc Covid-19 sau khi hết thời gian cách ly tập trung, PGS-TS Trần Đắc Phu nêu một số giả thiết: Bệnh nhân lây nhiễm trong khu cách ly, sau đó về nhà mới phát bệnh; bệnh nhân có thể nhiễm bệnh từ nước ngoài nhưng thời gian ủ bệnh có thể 14 ngày hoặc dài hơn nên thời điểm lấy mẫu xét nghiệm lần 3 nếu vào ngày thứ 12-13 sẽ không phát hiện dương tính. Dù trên thực tế vẫn có những ca Covid-19 ủ bệnh trên 14 ngày nhưng rất ít nên việc cách ly tập trung đủ 14 ngày với xét nghiệm 3 lần âm tính sau đó tiếp tục giám sát tại nhà, hạn chế tiếp xúc thêm 14 ngày như Bộ Y tế quy định hiện nay là chặt chẽ. Nguyên nhân khác là trong quá trình di chuyển trên các phương tiện hoặc gặp gỡ người khác nên lây nhiễm từ cộng đồng nhưng chưa xác định được nguồn lây.
Bộ Y tế cũng yêu cầu những người sau khi về nơi lưu trú phải tự giám sát sức khỏe, phải khai báo y tế với địa phương, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe phải báo ngay cho cơ quan y tế, đặc biệt là hạn chế tiếp xúc với những người khác khi không cần thiết. "Hiện các nước trên thế giới cũng chỉ thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, thậm chí nhiều nước còn cách ly ít hơn. Không thể vì một số ít trường hợp mắc bệnh sau 14 ngày mà hàng triệu người phải cách ly thêm. Việc cách ly nhiều hơn 14 ngày là không cần thiết vì đa số chỉ ủ bệnh trong 14 ngày, chỉ một số rất ít ủ bệnh lâu hơn" - ông Phu nói.
Dẫn chứng ca bệnh ở Yên Bái lây bệnh Covid-19 trong khu cách ly, ông Phu cho rằng việc lây bệnh trong khu cách ly là do các trường hợp này không tuân thủ các quy định cách ly (có thể ở khâu quần áo bảo hộ, khẩu trang, khử khuẩn…). Bộ Y tế ban hành đầy đủ các văn bản với quy định rất chặt chẽ về việc cách ly tại khách sạn hay khu tập trung của quân đội. Chẳng hạn trước đó, trường hợp ở khách sạn Mường Thanh (TP Hà Nội), một người mượn điện thoại của bệnh nhân Covid-19 trong 10 giây, người khác lại đổi tiền cho bệnh nhân này nên đã trở thành F1 do tiếp xúc gần. Những hành vi này là chưa tuân thủ quy định cách ly.
Với những người sau khi hết thời gian cách ly tập trung, theo quy định, các trường hợp này không phải cách ly tại nhà nhưng phải theo dõi sức khỏe. Chẳng hạn những người nhập cảnh, sau khi về nơi lưu trú phải theo dõi sức khỏe, không tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc với người khác và áp dụng các biện pháp phòng bệnh (đeo khẩu trang, khử khuẩn…). Những trường hợp này chỉ tiếp xúc khi cần thiết. Trường hợp bệnh nhân 2899 ở Hà Nam đi đám cưới, ăn uống, tụ tập đông người… là không đúng quy định. "Những chuyên gia nhập cảnh sau khi hết thời gian cách ly tập trung vẫn có thể làm việc trong trường hợp cần thiết nhưng phải thực hiện các quy định về phòng bệnh và giãn cách trong thời gian làm việc, tiếp xúc với người khác"- PGS Trần Đắc Phu nói.
Bình luận (0)