Đó là quan điểm của Luật sư Trương Thị Hòa tại hội nghị phản biện xã hội dự thảo thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP HCM để hạn chế ùn tắc giao thông do Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP HCM (UBMTTQVN TP HCM) phối hợp Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP tổ chức ngày 12-12.
Tại hội nghị này, 3 nhóm vấn đề mà luật sư, các chuyên gia cùng nhà khoa học đánh giá dự thảo thu phí chưa khả thi xét dưới nhiều góc độ về tính pháp lý, kinh phí đầu tư và mức độ hiệu quả nếu thực hiện.
Theo dự thảo thu phí do Công ty CP Công nghệ Tiên Phong đề xuất, việc thu phí sẽ được triển khai bởi một vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm TP, với 34 cổng thu phí cùng 1 trung tâm điều hành kết nối với những cổng thu phí này. Việc thu phí áp dụng công nghệ đa làn không dừng RFID kết hợp công nghệ ANPR (hỗ trợ xử lý vi phạm) và chỉ thu phí trong giờ cao điểm (6 giờ đến 9 giờ và 16 giờ đến 19 giờ mỗi ngày).
Sơ đồ khu vực trung tâm TP HCM được đề xuất thu phí ô tô
Đơn vị tư vấn đề xuất mức phí ô tô con phải đóng mỗi lần lưu thông vào khu trung tâm là 40.000 đồng, xe khách 50.000 đồng. Riêng taxi và xe đăng ký ở khu vực trung tâm được đề xuất giảm 25%, với mức phí phải đóng là 30.000 đồng/lượt. Các xe công vụ vẫn phải đóng phí, trừ một số loại được ưu tiên như xe cứu hỏa, cấp cứu, hộ đê... Riêng xe buýt không bị thu phí.
Theo Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, việc đầu tư và xây dựng hệ thống thu phí tốn khoảng 1.500 tỉ đồng. Chi phí này do nhà đầu tư tự bỏ ra và sẽ thực hiện theo hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao). Thời gian thu phí là 15 năm, bắt đầu từ năm 2020. Theo tính toán, trong năm đầu áp dụng thu phí, lượng ô tô vào khu trung tâm TP HCM giờ cao điểm sẽ giảm khoảng 49% và xe buýt tăng 8%, với vận tốc lưu thông cũng được nâng lên so với hiện nay khoảng 10,3%.
Đường Ba Tháng Hai - một trong những đường được đề xuất thuộc vài đai thu phí - vốn thường xuyên ùn ứ giao thông
Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, cho biết đề án hiện mới chỉ là bước đề xuất và đang tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung để trình UBND TP xem xét, sau đó mới qua giai đoạn nghiên cứu khả thi, lấy ý kiến người dân, phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học...
Theo luật sư Trương Thị Hòa, thành viên hội đồng tư vấn UBMTTQVN TP HCM, cơ sở pháp lý về luật phí và lệ phí hiện hành chỉ có 3 loại phí nhưng không có phí chống ùn tắc giao thông.
"Người dân đã chịu quá nhiều loại phí, trong khi hiện nay đang có phí sử dụng đường bộ nên nếu triển khai đề án thì nên gộp chung vào loại phí này hoặc những phí mà pháp luật đã quy định thì sẽ phù hợp hơn, tránh tình trạng phí chồng phí" - bà Hòa nói.
Luật sư Trương Thị Hòa nêu quan điểm tại hội nghị
Theo luật sư Hòa, một trong những giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông mà nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả là quy vào phí dịch vụ. Giải pháp trên cũng có thể thực hiện được ở TP HCM như TP có giao cho một đơn vị vận hành các dịch vụ rồi thu tiền tùy theo nhu cầu của đối tượng.
Bà Hò cũng đánh giá dự thảo chưa phân tích rõ những yếu tố nêu trên, nếu thực hiện, hiệu quả cũng sẽ không cao. Lý do là khu vực thu phí chủ yếu thuộc quận 1 và 3, với vài tuyến đường và đơn vị tư vấn cũng chưa đưa ra được các con số thống kê cụ thể tình hình đi lại tại đây.
Chưa kể, dự thảo cũng không nêu được những giải pháp đồng bộ trong việc hạn chế ùn tắc giao thông như tăng cường sự tham gia của các loại hình giao thông công cộng. Đồng thời, dự thảo đề cập đến việc áp dụng theo mô hình của nhiều nước trên thế giới nhưng chỉ nói chung chung, không phân tích đúng đặc thù của TP HCM. Vì vậy, bà Hòa đánh giá đề án này không khả thi và đề nghị phải bổ sung thêm nhiều yếu tố, đồng thời đánh giá cụ thể tác động tới kinh tế - xã hội như thế nào.
Ông Đồng Văn Khiêm, thuộc hội đồng tư vấn UBMTTQVN TP HCM, cũng băn khoăn trước tính hiệu quả của đề án. Theo ông Khiêm, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng kẹt xe là do ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, tuy nhiên đề án lại không đề cập đến vấn đề này để đưa ra giải pháp.
Ông Đồng Văn Khiêm phân tích những vấn đề không khả thi của dự thảo tại hội nghị
Đồng thời, ông Khiêm cũng phân tích từ việc thu phí nêu trên sẽ kéo theo giá cả hàng hóa, các loại dịch vụ ở khu trung tâm tăng theo, dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các khu vực và có thể gây phản ứng cho người dân. Vì vậy, ngoài kiến nghị đề án cần bổ sung nhiều vấn đề, ông Khiêm cho rằng nếu thực hiện thu phí thì phải có sự đồng thuận cao từ chính quyền và người dân.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh (Trường Đại học Bách khoa TP HCM), nhiều nội dung trong dự thảo đề án thu phí ô tô vào khu vực trung tâm chỉ thực hiện trên lý thuyết, không có cơ sở xã hội học nên ông cũng không đồng tình.
Trước những ý kiến nêu trên, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết sở sẽ tiếp nhận và tiếp tục tham mưu cho UBND TP. Đồng thời, Sở GTVT cũng sẽ phối hợp với chính quyền các quận, huyện trên địa bàn TP điều tra, khảo sát xã hội học bằng việc làm các phiếu thăm dò lấy ý kiến người dân nhằm đánh giá sự đồng thuận cũng như hoàn chỉnh đề án.
Bình luận (0)