Trong dự thảo lần 7 có đề xuất quy định đáng chú ý và có thể gây tranh luận, đó là chọn phương án quản lý xe công nghệ như taxi truyền thống. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đề xuất bỏ quy hoạch số lượng taxi theo địa phương, thay vào đó cứ để cho thị trường quyết định.
Những đề xuất của Bộ GTVT là sự đúc kết từ thực tiễn và đánh giá chính sách trong nhiều năm, đồng thời tổng hợp ý kiến của đông đảo người dân, các nhóm đối tượng doanh nghiệp liên quan, các giới - ngành…
Đáng chú ý là đề xuất chọn phương án quản lý taxi công nghệ (đại diện lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là Grab) giống như quản lý taxi truyền thống bằng những quy định chặt chẽ nhưng không ngăn trở việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải, không triệt tiêu động lực đổi mới; ngược lại, tân chính sách khuyến khích các đơn vị cung cấp phần mềm, doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tạo sự thuận lợi cho người dân.
Trong thời đại 4.0, chính sách quản lý của nhà nước không thể tách rời quá trình đổi mới - sáng tạo của doanh nghiệp, của cá thể kinh doanh, thậm chí còn phải dự phòng trước tình hình trong nhiều năm. Thời gian qua nổi lên cuộc ganh đua, mâu thuẫn, xung đột gay gắt giữa Grab Vietnam (taxi công nghệ) và Vinasun (một trong những thương hiệu taxi truyền thống lớn), đến mức hai bên phải kéo nhau ra tòa. Dù tòa sơ thẩm đã tuyên án với lợi thế thuộc về nguyên đơn Vinasun nhưng bị đơn vẫn chưa chấp nhận thúc thủ. "Cuộc chiến" pháp lý này sẽ còn kéo dài và những gì đã diễn ra cho thấy nó không chỉ gói gọn ở 2 thương hiệu hay 2 hình thức làm ăn mà đã hình thành nên 3 "phe" trong dư luận: bên ủng hộ Grab, bên đứng về phía Vinasun, bên trung lập. Điều đó chứng tỏ câu chuyện Grab - Vinasun tác động khá lớn đến đời sống xã hội, đòi hỏi các nhà làm chính sách phải đánh giá một cách nghiêm túc và thận trọng hệ thống pháp lý hiện hữu của riêng lĩnh vực GTVT để kịp thời vá kẽ hở, sửa đổi cho kịp thời cuộc, đem lại bình đẳng và công bằng, có lợi cho người dân và đất nước hơn.
Một trong những nội dung đã được xem xét lại là Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT ngày 7-1-2016 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là Đề án 24) và việc kéo dài thời gian thí điểm đề án này. Những bất cập phát sinh từ đây chính là nguồn cơn của "cuộc chiến" giữa taxi truyền thống với taxi công nghệ. Nay, với tinh thần đổi mới của dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, nếu được thông qua, áp dụng thì nhiều khả năng đưa mọi thứ vào trật tự, chấm dứt một quá trình dài cơ quan chuyên trách loay hoay tìm phương án quản lý tối ưu.
Thương trường là "chiến trường", tranh chấp quyền lợi giữa các chủ thể/ loại hình kinh doanh là không tránh khỏi. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải làm trọng tài bằng pháp lý và "cây gậy" pháp lý ấy phải vừa đủ quyền uy vừa tạo nên động lực đổi mới - sáng tạo, cân bằng lợi ích hợp lý giữa ba bên gồm nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Bình luận (0)