Tôi gặp lại bà Huỳnh Kim Oanh trong một chiều tháng 4-2023 nắng vàng rực rỡ. Vẫn dáng người nhanh nhẹn mà tôi từng gặp cách đây 6 năm trong một lần dự hội nghị ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, người phụ nữ mạnh mẽ với giọng nói ồm ồm khó lẫn này hào hứng hẳn lên khi tôi nhắc đến ngày 30-4-1975 lịch sử.
Thà hy sinh chứ không chùn bước
Bà Oanh sinh năm 1944 tại vùng đất cách mạng Củ Chi, TP HCM. "Lúc nhỏ, tôi được cha mẹ đặt tên Huỳnh Thị Gìn, sau này nhiều người gọi thành Dình. Khi 15 tuổi, tôi làm giao liên cho cán bộ hoạt động bí mật ở Dầu Tiếng, được tổ chức đặt bí danh là Huỳnh Kim Oanh. Tôi đã dùng tên gọi này cho đến giờ" - bà giải thích.
Lật lại từng cuốn album ảnh, xem qua những dòng nhật ký thời mới tham gia hoạt động, bà Oanh cho biết lúc đó, bà được gọi thân mật là Út Oanh. Giác ngộ cách mạng khi còn rất trẻ, Út Oanh đã cùng các cô chú, anh chị công nhân Cao su Dầu Tiếng liên tục hoạt động, tranh đấu.
Bà Huỳnh Kim Oanh trân trọng gìn giữ những tư liệu về một thời oanh liệt Ảnh: THẢO NGUYỄN
Những năm 1969 - 1970 là giai đoạn đấu tranh quyết liệt ở Dầu Tiếng, nhất là sự phản kháng việc gom dân, lập ấp chiến lược của chính quyền Sài Gòn. Đồn bốt của địch mọc lên dày đặc nhưng cô gái trẻ Út Oanh vẫn kiên định "thà hy sinh chứ không chùn bước", luôn vững tin ở cách mạng và sát cánh cùng người dân.
Nhiều năm liền, Út Oanh cùng đồng đội, đồng chí bám sát địa bàn, củng cố và xây dựng cơ sở cách mạng trong lòng địch. Út Oanh tham gia đấu tranh chống phá các kế hoạch, âm mưu của địch, diệt ác phá kìm, hỗ trợ người dân nổi dậy giải phóng quê hương Dầu Tiếng, góp phần giải phóng miền Nam...
Ngược dòng thời gian, bà Oanh nhớ lại những ngày tháng 4-1975 lịch sử. Bấy giờ, bà cùng một mũi bộ đội, lực lượng an ninh vũ trang tiến vào giải phóng Thủ Dầu Một.
Ông Bảy Tấn - tức Huỳnh Văn Tấn, Bí thư thị xã Thủ Dầu Một - và bà Oanh được phân công phụ trách mũi cánh Đông này. Lực lượng của ta gồm một trung đội an ninh vũ trang, 2 tổ du kích, một số bộ đội tăng cường của tỉnh, có cả vài anh chị em văn công... Cơ sở của bà Oanh từ Dầu Tiếng xuống hỗ trợ có một thợ may tên Bồ Thị Gái - nắm toàn bộ nhóm phòng vệ dân sự trang bị vũ khí của địch.
Bà Oanh kể: "Để tránh nhầm lẫn, lực lượng mật đeo băng xanh còn chúng tôi đeo băng đỏ. Khoảng 10 giờ đêm 29-4-1975, lực lượng mật bố trí cho tôi dừng chân tại 2 gia đình. Khi pháo của Quân đoàn 1 bên ta bắn cấp tập vào các căn cứ địch ở Phú Lợi, chúng nhốn nháo bỏ chạy. Tôi cùng chị Hồng của lực lượng mật tìm anh Bảy Tấn xin ý kiến. Anh dặn chúng tôi về bảo anh em sẵn sàng đợi lệnh".
Lực lượng nữ vũ trang của quân ta trong các đợt tiến công giải phóng Thủ Dầu Một Ảnh: TƯ LIỆU
Đến khoảng 9 giờ 40 phút ngày 30-4, nhóm của bà Bồ Thị Gái và ông Nguyễn Quốc Thái (sau này là bảo vệ cơ quan Liên hiệp Công đoàn giải phóng tỉnh Sông Bé) đã bắt gọn tên tỉnh trưởng Nguyễn Văn Của, sau đó chiếm luôn dinh tỉnh trưởng.Khoảng 10 giờ, lực lượng cánh Đông đã áp giải Nguyễn Văn Của và tùy tùng về đến Nhà việc Phú Cường.
Quân ta bắt đầu tiến vào nội ô thị xã Thủ Dầu Một. Người dân đổ ra đường chào mừng quân giải phóng. Nhiều tuyến đường ở Thủ Dầu Một rực rỡ cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
"Lúc đó, tôi cùng với đồng đội - là thành viên nhiều tổ chức, đoàn thể - mang ảnh Bác Hồ đến tặng người dân. Dòng người dài hơn 3 km xếp hàng dài nhận ảnh Bác rồi hô vang "Chủ tịch Hồ Chí Minh". Sang hôm sau, ai cũng khản tiếng, không thể cất giọng được nữa" - bà Oanh xúc động.
Chăm lo gia đình thương binh - liệt sĩ
Sau ngày đất nước thống nhất, với trách nhiệm là Thư ký Liên hiệp Công đoàn giải phóng tỉnh Sông Bé, bà Huỳnh Kim Oanh đã cùng anh em trong cơ quan phối hợp với mặt trận và các đoàn thể tổ chức họp đại diện nghiệp đoàn ở các nhà máy, xí nghiệp, như: Nhà máy Đường Bình Dương, Cơ sở Sơn mài Thành Lễ, Xí nghiệp Mực in Song Long, Nhà máy Giấy Bình An, Sở Cao su Phước Hòa…
Bà Oanh cùng Liên hiệp Công đoàn giải phóng địa phương và các cơ quan chức năng còn triển khai nắm ngay lực lượng trong các nghiệp đoàn xe đò, xe lô, mua bán. Sau đó, họ phát động công nhân bảo vệ nhà máy, xí nghiệp và tiến hành thành lập các Công đoàn cơ sở.
Trong thời gian này, tổ chức Công đoàn ở Sông Bé bắt đầu được củng cố và phát triển, nhiều Công đoàn cơ sở được thành lập. Công nhân được tuyên truyền, phát động tinh thần làm chủ tập thể, tinh thần yêu nước, tự quản lý điện - nước tại các cơ quan quan trọng của tỉnh, cũng như quản lý tài sản, tài liệu cho nhà nước.
Đến năm 1987, bà Oanh được phân công về làm giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Sông Bé. Lúc này, nhiệm vụ của bà cũng hết sức nặng nề khi các gia đình thương binh - liệt sĩ sau ngày giải phóng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đó cũng là nỗi trăn trở của Đảng bộ tỉnh Sông Bé.
Bà Oanh bày tỏ: "Với vai trò là người đứng đầu ngành tham mưu cho Tỉnh ủy và với tình cảm đặc biệt dành cho những người từng vào sinh ra tử trong khói lửa chiến tranh, tôi luôn tâm niệm phải làm sao tham mưu, đề xuất phương án chăm lo vật chất và tinh thần thật tốt cho các gia đình thương binh - liệt sĩ".
Nghĩ là làm, bà Oanh liền lên kế hoạch phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé thực hiện phóng sự "Khoảng trống cuộc đời". Phóng sự này phản ánh đời sống khó khăn của các gia đình thương binh - liệt sĩ, trong đó chú trọng về nhà ở, nhằm kêu gọi các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội chung tay góp sức xây dựng nhà tình nghĩa cho họ. Cùng với lời kêu gọi của Tỉnh ủy, đến năm 1989 đã có hơn 200 căn nhà tình nghĩa được bàn giao.
Đến năm 1995, Bí thư Tỉnh ủy Sông Bé Nguyễn Minh Triết (sau này là Chủ tịch nước) đã tổ chức cuộc vận động "Những tấm lòng vàng". Các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, cá nhân đã đóng góp hàng chục tỉ đồng để xây dựng 2.000 căn nhà tình nghĩa.
"Lúc ấy, Sông Bé là một trong 2 tỉnh đầu tiên được Bộ LĐ-TB-XH công nhận là địa phương có 100% xã - phường làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ" - bà Oanh tự hào.
Đam mê công việc
Sau khi nghỉ hưu, ngọn lửa đam mê công việc của bà Huỳnh Kim Oanh vẫn luôn bừng cháy. Bà tham gia Hội Bảo trợ Người tàn tật - Trẻ mồ côi tỉnh Bình Dương, làm chủ tịch hội. Bà cùng hội xây dựng các kế hoạch, công tác hằng quý, hằng năm sâu sát; tranh thủ được sự giúp đỡ của nhiều ngành chức năng, đoàn thể, tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Chỉ trong 8 năm, Hội Bảo trợ người tàn tật - Trẻ mồ côi tỉnh Bình Dương đã vận động được 17 tỉ đồng để giúp đỡ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo trên địa bàn.
Tới khu phố 5, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, hỏi tên bà Huỳnh Kim Oanh thì ai cũng biết. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện của địa phương; luôn hòa đồng, gắn bó với mọi người và sống lành mạnh, giản dị; giữ vững phẩm chất người cán bộ cách mạng, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo.
Bình luận (0)