Trong tình hình dịch Covid-19 liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý hành vi vi phạm các biện pháp phòng trách dịch bệnh, đặc biệt là việc trốn tránh khai báo y tế và áp dụng các biện pháp cách ly y tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Có thể bị phạt tù
Ngày 14-3-2020, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các đối tượng: Nguyễn Đắc Tùng và Trần Đăng Minh (ngụ Hà Nội) liên quan việc tụ tập đông người, ăn uống, hát hò, gây mất an ninh trật tự, vi phạm quy định cấm tụ tập đông người trong thời gian cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Công an TP Hải Dương khởi tố vụ án "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người", xảy ra tại phường Hải Tân, TP Hải Dương đối với N.T.T là người nghi mắc Covid-19 nhưng không khai báo y tế, không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, để lây bệnh cho chồng, con và người giúp việc; làm khu vực cư trú của những người nói trên bị phong tỏa, gây thiệt hại kinh tế và sự hoang mang trong nhân dân.
Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM khởi tố bị can đối với D.T.H (nam tiếp viên hàng không) để điều tra tội "Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người". TAND TP HCM sau đó đã tuyên phạt 2 năm tù (cho hưởng án treo), thời gian thử thách 4 năm đối với bị can này.
Ngoài ra, cơ quan thẩm quyền tại nhiều địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều cá nhân trốn tránh việc áp dụng các biện pháp cách ly y tế.
Dẫn chứng những vụ trên để thấy theo quy định hiện hành, hành vi vi phạm các biện pháp phòng tránh dịch Covid-19 sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc.
Cụ thể, khoản 1 và 2 điều 11, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi từ chối hoặc trốn tránh áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng; từ chối hoặc trốn tránh áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu, có thể bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế.
Điều 240 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người thực hiện hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có thể bị phạt tù từ 1-12 năm tù và còn có thể bị phạt đến 100 triệu đồng; trốn khỏi vùng cách ly hoặc cố ý khai báo y tế không trung thực để trốn tránh cách ly cũng có thể bị truy tố vào tội này.
TP Đà Nẵng tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19Ảnh: Bích Vân
Xử lý nghiêm để răn đe
Xuất phát từ "tính chất đặc biệt" của các hành vi vi phạm liên quan công tác phòng chống dịch Covid-19 của cơ quan nhà nước cũng như sự đồng lòng đồng tâm của đại bộ phận quần chúng nhân dân góp phần đẩy lùi dịch bệnh, xin có một số kiến nghị sau:
- Cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả các hướng dẫn, hoàn thiện để có các quy định, hướng dẫn chính xác, đơn giản, dễ hiểu nhất, giúp người dân hiểu rõ về dịch bệnh; những việc cần làm, những việc không được làm để chống dịch; sử dụng tất cả các phương tiện từ công nghệ thông tin cho đến áp phích, truyền thông đại chúng… Đặc biệt tuyên truyền, giáo dục hậu quả của việc không tuân thủ nguyên tắc phòng chống dịch và các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm các biện pháp phòng chống dịch.
Thành lập nhiều tổ công tác phối hợp phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội của công an các địa phương rà soát, phân loại, lập danh sách người nước ngoài trên địa bàn, đặc biệt lưu tâm số khách đến từ vùng dịch, người vừa mới trở về từ khu cách ly để phục vụ công tác quản lý, phương án phòng chống dịch.
- Tăng cường quản lý chặt chẽ hơn tại các cửa khẩu, qua việc tăng cường phối hợp giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng và công an các địa phương, tổ chức y tế, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh để kiểm soát chặt các cửa khẩu, ngăn chặn hành vi xuất nhập cảnh trái phép; đồng thời nắm tình hình người nước ngoài, người Việt Nam nhập cảnh, xuất cảnh để phục vụ công tác phòng chống dịch.
- Tiếp tục xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm răn đe người dân, tăng cường ý thức phòng chống dịch.
Yên Bái xác định được 219 F1
Đến chiều 4-5, tỉnh Yên Bái đã xác định được 219 F1, 482 F2 trên địa bàn trước đó đã tới dự đám cưới có ca bệnh Covid-19 tại huyện Trấn Yên, hôm 1-5. 181/219 trường hợp F1 đã có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2.
Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo TP Yên Bái cách ly kéo dài thêm 14 ngày đối với 11 chuyên gia người Ấn Độ và Trung Quốc sau khi đã cách ly 14 ngày và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, do chưa xác định được chính xác nguồn nghi ngờ lây nhiễm và tính chất lây nhiễm của biến chủng SARS-CoV-2 của Ấn Độ
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái, do vi phạm trong phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Th.Tuấn
Đoàn công tác của TP HCM tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ chốt kiểm soát số 11 (tỉnh Tây Ninh) Ảnh: Trường Hoàng
Đà Nẵng kích hoạt lại các Tổ Covid-19 trong cộng đồng
Trong ngày 4-5, TP Đà Nẵng ghi nhận thêm 1 ca dương tính với SARS-CoV-2. Thành phố này cũng đã kích hoạt lại các tổ Covid-19 trong cộng đồng để tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện 5K. TP Đà Nẵng cũng như TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), TP Hà Nội đều đã tạm dừng một số hoạt động không thiết yếu và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.
Sáng 4-5, tại cuộc họp thường kỳ tháng 4 của UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh, đã nhận khuyết điểm với Thủ tướng về những hạn chế, thiếu sót trong phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay liền kề các ngày nghỉ cuối tuần, có số ngày nghỉ kéo dài 4 ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến du lịch xa, do đó TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đạt lượng khách trên 125.000 lượt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tập trung ở nơi công cộng nhưng không mang khẩu trang.
Ông Nguyễn Tấn Tuân cũng đề nghị chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và giám đốc các sở, ngành phải thực hiện nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc về những thiếu sót trong ý thức, chủ quan, lơ là về phòng chống dịch; siết chặt xử phạt vi phạm trong phòng chống dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự.
Cùng ngày, đoàn công tác của Thành ủy, Ủy ban MTTQ TP HCM do Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM Nguyễn Hữu Hiệp làm trưởng đoàn, đã đi thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ các lực lượng phòng chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh). Tại Đồn Biên phòng Phước Tân, đoàn đã trao tiền, quà của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP HCM hỗ trợ các lực lượng phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, gồm: 2,5 tỉ đồng tiền mặt, 500 triệu đồng giá trị hàng hóa và 200 triệu đồng trang bị hệ thống điện năng lượng mặt trời chiếu sáng tại các chốt, trạm. Đoàn cũng đã đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại 6 chốt phòng chống dịch Covid-19 ở Tây Ninh.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh có 5 khu cách ly tập trung, công suất 1.020 người. Trong tình huống kiều bào từ Campuchia ồ ạt về nước cùng một thời điểm thì phải huy động 12 huyện, thành phố tham gia. Các huyện chủ động lập khu cách ly cho từng địa phương.
Tỉnh An Giang đã thực hiện cách ly, điều trị đối với ông D. (bác sĩ tại một bệnh viện ở TP Phnom Penh - Campuchia) và vợ ông này sau khi trở về từ Campuchia. Trước đó, ông D. và vợ được Bệnh viện TP Phnom Penh chở đến cửa khẩu quốc tế Long Bình làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam và được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nhóm Phóng viên
Bình luận (0)