Việc bảo đảm an toàn hàng không luôn là ưu tiên hàng đầu với những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe, cao hơn rất nhiều so với các loại hình giao thông công cộng khác. Cùng với Luật Hàng không và các văn bản hướng dẫn dưới luật, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Bộ Quy chế an toàn hàng không. Với vai trò nhà chức trách hàng không, Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn hàng không trên 8 yếu tố trọng yếu của Tổ chức Hàng không quốc tế (ICAO) nhằm bảo đảm an toàn cho cả hệ thống và từng chuyến bay.
Với mỗi chuyến bay, phi hành đoàn và các đơn vị chức năng không được để xảy ra bất kỳ sai sót nào kể từ khâu nhỏ nhất bởi dù chỉ là một sai sót nhỏ, khả năng xảy ra tai nạn sẽ cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn tính mạng của hàng trăm người.
Tất cả những điều đó đã mang lại sự an toàn cho ngành hàng không nước ta. Trong đánh giá đưa ra tháng 10 vừa qua, Airlineratings - trang web uy tín thế giới chuyên đánh giá về mức độ an toàn và chất lượng dịch vụ của hơn 435 hãng hàng không toàn cầu - đánh giá 3 hãng hàng không của Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đạt mức an toàn 7/7 sao, mức cao nhất trong bảng xếp hạng. Tới nay, hàng không Việt Nam đã có 21 năm liên tục không để xảy ra tai nạn máy bay, được quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà có thể lơ là, chủ quan trong việc bảo đảm an toàn hàng không. Số liệu đưa ra đầu tháng 11 cho thấy trong 8 tháng đầu năm xảy ra 60 sự cố hàng không, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2017; gồm có 1 sự cố nghiêm trọng mức B, 7 sự cố uy hiếp an toàn cao và 52 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn. Trong đó, 29 sự cố do kỹ thuật máy bay, 21 sự cố do con người…
Những sự cố uy hiếp an toàn hàng không gây ra những lo ngại sâu sắc trong bối cảnh hàng không đang tăng trưởng nóng 16%-17% mỗi năm. Từ con số 1 triệu lượt khách vào năm 1990, tăng lên 94 triệu lượt khách năm 2017 và lần đầu tiên vượt con số 100 triệu khách vào năm 2018. Tăng trưởng nóng lại thêm nhu cầu tăng đột biến vào dịp Tết khiến an toàn hàng không đặc biệt được quan tâm.
Cũng vì thế, những biện pháp quyết liệt, mạnh tay từ Chính phủ tới Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam được triển khai, trong đó nhà chức trách hàng không lập 7 đoàn công tác thực hiện kiểm tra giám sát đặc biệt đối với hãng hàng không Vietjet vì để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng thời gian qua.
An toàn hàng không không chỉ ảnh hưởng lớn tới ngành hàng không mà cả ngành du lịch. Không thể chỉ chạy theo tăng trưởng và càng không thể để tăng trưởng nóng làm mất an toàn hàng không. Chẳng có hiệu quả kinh tế nào có thể so sánh, đánh đổi được với sinh mạng con người. "Tuyệt đối không để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân" - đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trước một loạt sự cố có nguy cơ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không gần đây.
Bình luận (0)