Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng còn thông tin rõ thêm là việc DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế do thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi chưa mang tính hỗ trợ, đồng hành cùng DN. Cho nên, kiến nghị của các DN không tập trung vào các gói hỗ trợ tài chính mà muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch trong chính sách, công minh và thái độ của cán bộ thực thi và "đây là điều các DN mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền, còn hơn là các hỗ trợ bằng tiền".
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng cho biết: "Khi tôi hỏi lãnh đạo DN lớn là họ cần gì, họ trả lời biết nhà nước đang khó khăn nên không xin tiền mà chỉ xin cơ chế".
Như vậy, ở đây đã rõ có 2 vấn đề cần phải giải quyết ngay: Một là, Chính phủ đã rất nỗ lực để chia sẻ, hỗ trợ DN tồn tại và mau chóng phục hồi sau đại dịch Covid-19. Vậy vì lý do gì mà 64,6% DN dù đã biết có các chính sách hỗ trợ nhưng chưa thể tiếp cận. Nếu "do thủ tục hành chính rườm rà, quy trình phức tạp, thái độ và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi" thì cụ thể là thủ tục nào, cán bộ nào?
Hai là, các DN biết nhà nước khó khăn nên không xin tiền. Lãnh đạo DN nào có tinh thần như thế là rất đáng biểu dương. Vì nguồn lực nhà nước có hạn, nếu hỗ trợ dàn trải thì không có tác dụng nhiều.
Nhưng xin cơ chế thì là cơ chế gì? Cần cụ thể, cụ thể đến từng lĩnh vực. Bởi cơ chế nào thì cũng phải phụ thuộc vào các quy định của pháp luật, được xây dựng theo đúng quy trình chứ không phải cứ cần là cho, là sửa. Nhưng ở một khía cạnh khác, cơ chế là do chính chúng ta đặt ra để điều hành và kiểm soát các mặt hoạt động của bộ máy, nên trong những tình huống cấp bách thì cần có sự linh hoạt, uyển chuyển, dĩ nhiên là phải trong giới hạn của luật pháp và còn tránh cả chuyện lợi dụng tình trạng cấp bách để tìm cách "xé rào".
Cần thấy các chính sách cần thiết để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn thì Chính phủ đã ban hành rồi. Cơ chế, chính sách nào cần làm để hỗ trợ được cho DN, nếu có đề xuất cụ thể, hợp lý thì như Thủ tướng nói là chắc chắn Chính phủ cũng sẵn sàng làm ngay.
Nhưng, nói thế để thấy cả 2 vấn đề nếu muốn giải quyết được thì phải bắt đầu từ ngay chính DN chủ động lên tiếng, các đầu mối chịu trách nhiệm hỗ trợ DN cũng phải tiếp cận ngay.
Lâu nay, các địa phương, ngành, hiệp hội nọ kia... vẫn hay nói đến việc đồng hành cùng DN, để những "con gà" sẽ đẻ "trứng vàng", vậy thì đây là lúc cần xắn tay vào để biết DN khó khăn thế nào, quan trọng hơn, đó nữa là vì sao khó mà không nói được, hay đã nói mà không hy vọng gì?
Bình luận (0)