Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, cho biết ở tỉnh này, tính đến 15 giờ ngày 15-3, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 24 hộ của 13 thôn, 11 xã thuộc 2 huyện Yên Định và Thiệu Hóa, buộc lực lượng chức năng phải tiêu hủy 663 con heo.
Kiểm tra 24/24 giờ
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chỉ thị yêu cầu cả hệ thống chính trị các cấp nhanh chóng thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng chống dịch.
Cụ thể, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập tại 2 huyện Yên Định và Thiệu Hóa 48 chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, 5 đội kiểm tra lưu động, 4 chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời trên đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ (QL) 10 và QL 217; đồng thời tăng cường lực lượng cho 2 chốt cố định huyết mạch trên QL1 nhằm kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là những xe chở heo vào các tỉnh, thành phía Nam.
Dù đêm khuya, các lực lượng của tỉnh Đồng Nai vẫn tích cực kiểm soát, tiêu độc khử trùng xe chở heo Ảnh: XUÂN HOÀNG
Theo ông Đặng Văn Hiệp, từ ngày 28-2 đến 14-3, trạm kiểm dịch trên QL1 đã kiểm tra 1.490 phương tiện chở heo, trâu bò và gia cầm. "Tất cả phương tiện chở gia súc, gia cầm, đặc biệt là với xe chở heo, được chúng tôi kiểm tra rất chặt. Nếu phát hiện có heo mệt, ốm hoặc biểu hiện bất thường là lập biên bản dừng phương tiện để xử lý. Nếu heo bình thường, có giấy tờ kiểm dịch, được phép vận chuyển thì sẽ phun hóa chất tiêu độc khử trùng rồi mới cho lưu thông" - ông Hiệp nói.
Trong ngày 15-3, tại chốt kiểm dịch cầu Ghép trên tuyến QL1 qua huyện Tĩnh Gia không có phương tiện nào chở heo từ phía Bắc vào Nam. Ông Phạm Văn Tới, Phó Trạm Kiểm dịch động vật và Thủy sản (Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa), cho biết ban ngày rất ít phương tiện chở heo vào phía Nam, chủ yếu chở ban đêm, tuy nhiên số lượng đã giảm 60%-70% so ngày thường. Cũng theo vị này, từ ngày dịch xuất hiện tại Thanh Hóa, chưa phát hiện phương tiện chở heo nào "có vấn đề" khi qua trạm để vào Nam.
Tại Trạm Kiểm dịch động vật Hà Tĩnh trên QL1, đoạn qua thị xã Hồng Lĩnh, tất cả xe chở gia súc, gia cầm lưu thông qua đây đều được kiểm tra và phun thuốc tiêu độc, khử trùng. Các tài xế đều tuân theo hướng dẫn của cán bộ làm việc tại trạm.
Ông Nguyễn Tiến Chương, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Hà Tĩnh, cho biết ngày 14-3, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định thành lập chốt liên ngành về kiểm dịch động vật, phòng chống dịch tả heo châu Phi, túc trực 24/24 giờ để kiểm soát chặt việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo từ các tỉnh phía Bắc đi qua địa bàn nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Ngoài trạm kiểm dịch trên QL1 thì ở các huyện giáp ranh với tỉnh Nghệ An (Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn) cũng đã có các chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn việc heo bệnh vào địa bàn.
Khử trùng tiêu độc tất cả các xe
Tại xã Quỳnh Mỹ của tỉnh Nghệ An, nơi ngày 13-3 phát hiện heo của một hộ dân bị dịch, hiện ngành chức năng đã lập nhiều chốt kiểm soát 24/24 giờ, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển heo và động vật khác. Ông Lê Xuân Thanh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ, cho biết xã đã huy động hàng chục công an viên có mặt tại 2 chốt gần hộ có dịch để phun tiêu độc khử trùng, kiểm soát xe qua lại không để dịch lây lan.
Theo ông Đậu Đức Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quỳnh Lưu, trong ngày 15-3, ngoài 2 chốt tại vùng dịch xã Quỳnh Mỹ, các xã giáp ranh với xã này cũng đã lập thêm 8 chốt kiểm tra. Tỉnh Nghệ An cũng lập 2 trạm kiểm dịch chốt chặn 24/24 giờ trên QL1 và tuyến đường Hồ Chí Minh để giám sát việc vận chuyển heo, từ các tỉnh phía Bắc vào miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh, thành phía Nam.
Tại "cửa ngõ" trên QL1 phía Bắc tỉnh Quảng Bình, lực lượng liên ngành cũng túc trực 24/24 giờ kiểm tra, phun khử trùng tiêu độc tất cả xe chở heo đi qua địa bàn. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình phối hợp các lực lượng chức năng lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên QL1 và trên đường Hồ Chí Minh, kiểm soát các phương tiện vận chuyển gia súc ra vào địa bàn tỉnh.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, cho biết từ khi dịch tả heo châu Phi lan rộng ra nhiều tỉnh, thành thì địa phương này đã xây dựng nhiều biện pháp. Cụ thể, đã hoàn thành quy trình, nội quy hoạt động của các chốt; cử cán bộ, đưa phương tiện và trang thiết bị đến các chốt kiểm dịch động vật tạm thời và thực hiện kiểm tra, kiểm soát động vật trên tuyến QL1 và đường Hồ Chí Minh. Tại tỉnh Quảng Bình, đến nay chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm dịch tả heo châu Phi.
Cũng theo ông Tám, toàn tỉnh Quảng Bình có tổng đàn heo gần 300.000 con của hơn 50.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 229 trang trại nên nguy cơ xâm nhiễm dịch là rất cao. Vì thế, trong những ngày qua, ngoài việc kiểm soát hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo qua địa bàn thì công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh ở các trang trại luôn được chú trọng.
Tại tỉnh Quảng Trị, 2 chốt kiểm dịch trên QL1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn giáp tỉnh Quảng Bình) được lực lượng liên ngành túc trực 24/24 giờ. Hai chốt này hoạt động từ ngày 9-3 đến nay, mỗi ca trực gồm 5 cán bộ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, CSGT và lực lượng QLTT.
Trong ngày 15-3, trên QL1 có 5 phương tiện chở heo qua địa bàn tỉnh Quảng Trị. Khi đến chốt kiểm dịch động vật ở xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, các tài xế chủ động dừng xe để lực lượng chức năng kiểm tra hồ sơ kiểm dịch và tiến hành khử trùng tiêu độc. Đối với các phương tiện chở heo có 2-3 tầng, lực lượng kiểm dịch phải dùng thang leo lên để kiểm tra lâm sàng.
Ông Trần Hoãn, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị, cho biết trung bình mỗi ngày có khoảng 20 phương tiện chở động vật (trong đó có gần 10 xe chở heo) đi qua 2 chốt kiểm dịch trên QL1 và đường Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, chưa phát hiện phương tiện nào vi phạm thủ tục thú y. Tình trạng tài xế trốn tránh, vượt chốt kiểm dịch cũng không xảy ra.
Theo ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn có khoảng 240.000 con heo đang được người dân chăn nuôi ổn định. Để chặn dịch tả heo châu Phi, ngoài các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay, công tác phòng chống, kiểm soát cũng diễn ra rất chặt chẽ với quyết tâm không để dịch xảy ra trên địa bàn.
Triển khai các giải pháp cấp bách
Ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ngay sau khi có công điện hỏa tốc của Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo gửi các địa phương, ban, ngành liên quan tập trung triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả heo xâm nhiễm vào địa bàn. Trong đó, ngành nông nghiệp đã in tờ rơi, tổ chức tập huấn về cách nhận biết, phòng chống bệnh dịch cho các hộ chăn nuôi và người dân, đồng thời lấy 10 mẫu thịt heo nghi bệnh gửi xét nghiệm.
Lập ban chỉ đạo từ cấp xã đến tỉnh
Những ngày qua, tỉnh Đồng Nai liên tục triển khai các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn không để dịch tả heo châu Phi từ bên ngoài lan vào địa phương. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai - ông Nguyễn Phú Cường - đã chỉ đạo thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng dịch tả heo châu Phi từ cấp xã đến huyện, tỉnh nhằm triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác phòng chống dịch. Hiện tỉnh Đồng Nai đã lập 2 chốt chặn kiểm tra, rà soát phòng chống dịch trên QL1 (giáp tỉnh Bình Thuận) và QL20 (giáp tỉnh Lâm Đồng). Chính quyền tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu các địa phương từ cấp tỉnh đến xã xem công tác phòng chống dịch là nhiệm vụ cấp bách; phải thực hiện đồng bộ từ cơ sở chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ (xử lý mạnh tay giết mổ lậu). Do tính cấp bách, tỉnh sẽ ưu tiên ngân sách cho công tác phòng dịch từ việc mua sắm thiết bị, dụng cụ đến tiêu độc khử trùng, hỗ trợ cho đội ngũ tham gia phòng chống dịch...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 15-3, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết công tác phòng chống dịch tại địa phương vẫn rất căng thẳng. Lượng heo từ phía Bắc vào tỉnh Đồng Nai vài ngày qua có giảm. Hiện ngoài 2 chốt chặn đầu tỉnh từ phía QL1 và QL20, dự tính tỉnh sẽ lập thêm 2 chốt phía QL51 và ở khu vực giao QL1 và QL20 để kiểm soát chặt hơn nữa. "Hiện chưa phát hiện dấu hiệu dịch tả heo châu Phi xâm nhập Đồng Nai" - ông Quang thông tin.
Bình luận (0)