Ngày 1-11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến về tình hình triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), dự án trọng điểm quốc gia với quy mô vốn khoảng 5 tỉ USD (hơn 109.000 tỉ đồng).
Cần lập tổ liên ngành
Báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng, một trong những công tác quan trọng nhất, quyết định tiến độ dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết đến nay tỉnh đã thu hồi tổng diện tích 3.801 ha trong phạm vi 5.000 ha, đạt khoảng 77%. Phần diện tích còn lại là khoảng 1.145 ha, tỉnh Ðồng Nai sẽ hoàn thành thu hồi trong năm 2021.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai, tổng diện tích giai đoạn 1 cần bàn giao cho Cảng vụ Hàng không miền Nam là 1.810 ha để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng hàng không và 722 ha dự trữ đất dôi dư. "Ðến nay, tỉnh Ðồng Nai đã giao đất đợt 1 với diện tích 1.284,57 ha (chiếm khoảng 71%). Trước ngày 10-11, tỉnh sẽ giao đất đợt 2 với diện tích 400 ha thuộc khu vực 1.810 ha và 200 ha thuộc khu vực 722 ha. Dự kiến tỉnh sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giao đất đủ diện tích trên trong quý I/2022" - ông Cao Tiến Dũng báo cáo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), việc đơn vị này mới chỉ tiếp nhận hơn 1.200 ha trong tổng số hơn 1.800 ha đã ảnh hưởng đến tiến độ gói thầu san nền và tổng thể ảnh hưởng kế hoạch thực hiện và hoàn thành dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn, gói thầu thiết kế kỹ thuật nhà ga hành khách đã được triển khai từ tháng 6-2021. Công tác thiết kế kỹ thuật đã ưu tiên hoàn thiện và phê duyệt trước phần móng công trình để bảo đảm khởi công công trình nhà ga hành khách trong tháng 3-2022, hoàn thành trước tháng 12-2025. Ðối với gói thầu thiết kế cơ sở các công trình phụ trợ (các hạng mục như nhà để xe, nhà ga hàng hóa số 1, các khu bảo trì...), ACV đã tổ chức đấu thầu quốc tế để lập thiết kế cơ sở từ tháng 9-2021, dự kiến hoàn thành thiết kế trong tháng 12-2022. "Tuy nhiên đã xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn chậm tiến độ dự án, như tiến độ xây dựng tường rào bị chậm do thiếu mặt bằng, công tác thiết kế san nền bị chậm nên công tác san nền phục vụ khởi công nhà ga dời sang năm 2022" - Lê Anh Tuấn lo ngại. Ông đề nghị UBND tỉnh Ðồng Nai giải quyết dứt điểm, chỉ đạo quyết liệt bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư vì dự án này đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện, cơ chế.
Ngoài ra, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn còn đề nghị thành lập tổ công tác liên ngành xử lý các vướng mắc trong dự án, để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án như đã đề ra.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị xây dựng dự án sân bay Long Thành. Ảnh: ĐỨC TUÂN
Họp hằng tháng để thúc tiến độ
Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng để thu xếp vốn, ủy ban có văn bản đề nghị các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, GTVT cho ý kiến, hỗ trợ trong quá trình cho phép ACV tăng vốn điều lệ, bổ sung vốn để bảo đảm năng lực tài chính thực hiện dự án; các tổ chức tín dụng cũng ủng hộ việc hỗ trợ tín dụng cho dự án này. "Vốn cho dự án được cấp đủ, không để xảy ra tình trạng thiếu vốn nhưng giải ngân là vấn đề "lo lắng và sốt ruột". Hết năm phải giải ngân hơn 10.000 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng thì mới bảo đảm yêu cầu"- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước, được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để triển khai. Vì vậy, phải tìm mọi giải pháp để rút ngắn thời gian, bảo đảm tiến độ từng công trình, hạng mục với mục tiêu chung hoàn thành dự án vào đầu năm 2025.
Ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Ðồng Nai và Bộ GTVT, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng tiến độ hiện đang chậm, như công tác giải phóng mặt bằng mới chỉ đạt 77%; các hạng mục công trình chính như nhà ga, đường cất hạ cánh chưa hoàn thành thiết kế. "UBND tỉnh Ðồng Nai chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 trước 31-12-2021, toàn bộ 5.200 ha của dự án trong quý I/2022" - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Nêu rõ các mốc tiến độ cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị chủ đầu tư dự án là ACV và Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thiết kế, thẩm định thiết kế, đấu thầu, phấn đấu tháng 12-2021 khởi công gói thầu san lấp mặt bằng. Ðối với công trình nhà ga hành khách với số vốn tới 50.000 tỉ đồng, Phó Thủ tướng yêu cầu tiến hành kỹ càng các bước, quyết tâm khởi công công trình này trước tháng 3-2022. Ðối với công trình sân đỗ và đường cất/hạ cánh, cần giữ đúng tiến độ đã cam kết là đến tháng 8-2022 sẽ khởi công.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm tiến độ từng hạng mục cụ thể; ngay từ khi lập hồ sơ mời thầu phải nêu rõ mốc tiến độ hoàn thành các hạng mục chính như đường băng, nhà ga trước tháng 1-2025; hoàn thành, đưa toàn bộ công trình vào sử dụng trong 6 tháng đầu năm 2025. Ông nhấn mạnh hằng tháng, ông sẽ làm việc với Bộ GTVT về tiến độ sân bay Long Thành.
Người dân tái định cư "ngóng" điện, nước
Theo ghi nhận, sau khi nhận đất ở khu tái định cư (TÐC) Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành, tỉnh Ðồng Nai), hơn 100 hộ dân thuộc dự án sân bay Long Thành đã và đang xây dựng nhà cửa nhưng sự chậm trễ trong đấu nối điện, nước khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, giữa tháng 9, gia đình ông Nguyễn Văn H. (ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) đã xây dựng nhà. Ðể phục vụ quá trình thi công, ông H. đã ký kết hợp đồng cấp nước với đơn vị cấp nước sạch. Tuy nhiên, đến giữa tháng 10-2021, gia đình ông H. vẫn chưa được đơn vị này đấu nối để cung cấp nước phục vụ quá trình thi công. "Dù vẫn có nguồn nước để xây dựng nhưng rất bất tiện. Tôi mong muốn sớm được đấu nối nguồn nước để có thể chủ động khi xây dựng nhà cửa" - ông Nguyễn Văn H. nói.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ðồng Nai - chủ đầu tư xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, từ giữa tháng 7-2021, gói thầu cung cấp nước sạch cho toàn khu TÐC đã được thi công hoàn thành. Các ống cấp nước được đưa đến trước vỉa hè của các hộ dân. Mặc dù vậy, theo UBND huyện Long Thành, tính đến giữa tháng 10-2021, trong số 104 hộ dân đang xây dựng nhà cửa tại khu TÐC Lộc An - Bình Sơn mới chỉ có 45 hộ đã được lắp đặt, đấu nối cung cấp nước sinh hoạt. Chính vì vậy, các hộ dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng nước để phục vụ cho việc xây dựng nhà cửa tại khu TÐC.
Người dân phải nhờ điện, nước ở những vùng xung quanh để thi công nhà cửa ở khu TÐC Lộc An - Bình Sơn. Ảnh: HOÀNG XUÂN
Cùng với nguồn nước, việc chậm trễ đấu nối hệ thống điện cũng khiến các hộ dân, các tổ chức tôn giáo gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng nhà cửa, cơ sở mới. Theo UBND huyện Long Thành, đến giữa tháng 10-2021, các hộ dân đang xây dựng nhà tại khu TÐC Lộc An - Bình Sơn đều phải sử dụng nguồn điện tạm phục vụ các nhà thầu thi công các công trình tại đây. Do đó, chất lượng nguồn điện chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, đối với hệ thống hạ tầng lưới điện, từ giữa tháng 8, tại các khu vực ưu tiên TÐC cho người dân tại khu TÐC Lộc An - Bình Sơn đã thi công hoàn hiện hệ thống đường ống ngầm, hệ thống đường dây điện để cấp điện cho người dân. Sau đó, đơn vị đã kiến nghị ngành điện sớm xem xét, đóng điện để phục vụ đấu nối cho người dân. Tuy nhiên, ngành điện lực cho rằn chỉ khi hoàn thành thi công toàn bộ hệ thống lưới điện tại khu TÐC Lộc An - Bình Sơn mới có thể thực hiện nghiệm thu, bàn giao để đóng điện. Trong khi đó, tại khu TÐC Lộc An - Bình Sơn vẫn còn một số khu chưa hoàn thiện thi công hệ thống hạ tầng.
Trước thực tế này, UBND tỉnh Ðồng Nai yêu cầu các cơ quan liên quan đến việc cung cấp nước, điện phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện nghiệm thu từng phần để sớm đưa vào sử dụng các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân, nhất là trong việc xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.
X.Hoàng
Bình luận (0)