Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc các hãng taxi công nghệ không bị kiểm soát về giá là bất hợp lý, bởi xe hợp đồng dưới 9 chỗ bản chất hoạt động như taxi, trong khi taxi kê khai và niêm yết giá cước đầy đủ, muốn tăng giá phải giải trình lý do thì xe hợp đồng điện tử với số lượng xe gấp nhiều lần lại không làm điều này. Khẳng định nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống ổn định giá cước từ tháng 6-2016 đến nay, ông Hùng lưu ý những ứng dụng gọi xe công nghệ thay đổi giá theo giờ, có thể giảm giá sâu vào giờ thấp điểm rồi tăng giá, thậm chí gấp 4 lần vào giờ cao điểm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Loại hình xe hợp đồng Limousine hoạt động như tuyến cố định hiện khá phổ biến ở các thành phố lớn (Ảnh minh họa)
"Xe hợp đồng điện tử cũng cần đăng ký kê khai giá cước hoặc phải có giá trần. Khi đó có thể làm căn cứ để áp số lượng xe đang hoạt động kinh doanh với giá trần sẽ tính ra mức doanh thu để yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế trong trường hợp họ không khai báo đầy đủ số lượng phương tiện" - ông Hùng đề nghị.
Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Taxi G7, cũng cho rằng xăng dầu tăng giá liên tục nhưng giá cước taxi đã ổn định 3-4 năm nay. Việc các ứng dụng xe hợp đồng giá cước linh hoạt theo giờ, trong khi xăng chiếm 30%-40% giá thành sẽ dẫn đến các hãng taxi gặp khó khăn, thiệt hại trực tiếp và tốn kém hơn rất nhiều trong việc điều chỉnh tăng hay giảm giá cước. Chưa kể, mỗi đợt điều chỉnh giá sẽ phải trình cơ quan quản lý nhà nước về mức giá niêm yết điều chỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Thiên Thảo Nguyên & Inter Bus Lines, nói cần cơ chế minh bạch hóa hợp đồng điện tử, lệnh điều xe, giao dịch chuyển khoản điện tử, tài khoản, lộ trình. Muốn làm được việc này phải dùng công nghệ thay cho cách quản lý thủ công hiện nay.
Theo ông Tùng, hầu hết doanh nghiệp đã có app (ứng dụng) quản lý nội bộ, cơ quan nhà nước chỉ việc buộc doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ và cung cấp IP kết nối về công an, cơ quan thuế, ngành GTVT. Chỉ cần qua điện thoại sẽ biết được tất cả thông tin từng chuyến xe, hành trình, từng khách trên xe, qua đó sẽ kiểm soát được thuế. "Quan trọng là nhà nước có quyết tâm áp dụng công nghệ để quản lý hay không" - ông Tùng nói.
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, cho biết Nghị định 10/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định rõ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ôtô và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình với Bộ Công an, Bộ Tài chính để phối hợp quản lý. Bộ GTVT xác định đây là dữ liệu công khai sử dụng chung cho các cơ quan liên quan nhằm tăng cường quản lý, công khai, minh bạch hoạt động vận tải, quản lý trật tự, xử lý vi phạm cũng như quản lý về thuế.
Còn theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, để kiểm soát xe hợp đồng phải kiểm soát được hợp đồng vận chuyển và số lượng khách trên mỗi chuyến xe. Giá thỏa thuận theo hợp đồng phải đưa vào một khung giá dịch vụ, xe hợp đồng cũng phải kê khai giá cước vận tải để có khung giá cụ thể. Để làm được điều này, phải thay đổi Luật Giá hay sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Bình luận (0)