Ngày 1-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ số tiêu dùng (CPI) bình quân giảm dần từ mức cao là 6,54% về mức 4,19%. Từ đó, có thể nhận định khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu đề ra là khả thi.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra một số bất cập cần tập trung khắc phục trong 6 tháng cuối năm, như vấn đề giá thịt heo, sách giáo khoa, giá nước sạch, quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thủ tướng đánh giá sức ép tăng giá, lạm phát vẫn còn lớn, đặc biệt là giá dầu thô, lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng, nhiều nước đã giảm giá đồng tiền. "Trong bối cảnh ấy, phải kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Chúng ta sẽ rất linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời điểm, mức độ can thiệp các công cụ chính sách để không ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý trong kiểm soát lạm phát, không được thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách kiểm soát giá phải góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh doanh, kích thích tăng trưởng. Trong điều hành giá phải kết hợp đồng bộ, hiệu quả, kịp thời các biện pháp vĩ mô, tài khóa, tiền tệ và các công cụ vi mô, điều hành các mặt hàng cụ thể, nhất là xăng dầu, thịt heo, các mặt hàng thiết yếu như y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm.
Đối với các kịch bản điều hành giá, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chủ trì với các bộ, ngành tiếp tục rà soát, cập nhật kịch bản phù hợp với mục tiêu đề ra để được con số dưới 4%. Trong trường hợp thật cần thiết, có thể điều hành ở 4% để góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ, chính sách tài khóa, tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Xử lý nghiêm đầu cơ, nâng giá
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều hành giá, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các cơ quan chức năng, tất cả địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả, kiểm soát yếu tố tình hình giá, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng đầu cơ, nâng giá, gây biến động giá, độc quyền giá trái quy định, trong đó kiểm soát tốt đầu vào, chống đầu cơ nâng giá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họpẢnh: Quang Hiếu
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện thể chế và các quy định pháp luật về giá bảo đảm đúng, phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tiễn hiện nay, ví dụ như đề nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục kiểm soát giá của nhà nước.
Đối với điều hành giá một số mặt hàng cụ thể, trước hết là xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Trong đó, lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu; đồng thời bảo đảm cân đối nguồn cung trong nước và nhập khẩu xăng dầu để dự trữ phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Đối với mặt hàng điện, Thủ tướng quán triệt phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về không tăng giá điện. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến phát sinh trong thời gian qua.
Về mặt hàng thịt heo, Thủ tướng nhất trí với các biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra, như tái đàn, tăng đàn, nhập heo sống, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt heo phù hợp.
Về giá gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm sản xuất lúa gạo (khoảng 43,5 triệu tấn thóc năm 2020 và có thể chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo). Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thu mua dự trữ lúa gạo.
Đối với giá dịch vụ hàng không, vận tải, logistics, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, các bộ, ngành chức năng, các địa phương chủ động thông tin truyền thông về tình hình giá cả thị trường quốc tế, trong nước, chủ trương và chính sách của Đảng, nhà nước về điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Nghiên cứu giảm giá, cấp miễn phí sách giáo khoa
Thủ tướng cho rằng hiện nay đời sống và thu nhập của nhiều người lao động và gia đình bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá các dịch vụ giáo dục, y tế phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo.
Riêng về sách giáo khoa, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung mặt hàng này vào danh mục nhà nước định giá; đồng thời phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền sách giáo khoa với đối tượng thuộc hộ nghèo, người yếu thế, người khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Bình luận (0)