Bà Ngô Minh Hương, Giám đốc CDI, cho biết theo điểm xếp hạng về công khai ngân sách của Việt Nam trong năm 2019 có sự cải thiện ở cả 3 trụ cột: công khai minh bạch ngân sách, sự tham gia và giám sát ngân sách. Trong đó, ở trụ cột công khai minh bạch ngân sách, điểm xếp hạng đạt 38/100 điểm, tăng 23 điểm so với kỳ đánh giá 2017. Sự tăng điểm mạnh ở trụ cột này góp phần giúp Việt Nam tăng 14 bậc xếp hạng, lên vị trí 77/117 nước về công khai minh bạch ngân sách. "Minh bạch ngân sách là công cụ giúp tăng niềm tin của người dân với nhà nước. Khi đó, sẽ giúp người dân giám sát được việc tiền đóng thuế của họ được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả hơn" - bà Hương nhấn mạnh.
Báo cáo đã đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 bộ, cơ quan trung ương, trong đó có 38 bộ, cơ quan trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức trung ương được ngân sách hỗ trợ. Kết quả khảo sát cho thấy mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan trung ương đã có sự cải thiện so với năm 2018, với điểm số trung bình đạt 21,2 điểm, tăng 10,2 điểm so với MOBI 2018.
Kết quả xếp hạng khảo sát OBI và MOBI. (Nguồn: Trung tâm Phát triển và Hội nhập)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu về chỉ số công khai ngân sách với 73,17 điểm. Đây là đơn vị có 5 trên 6 loại tài liệu được công khai theo thông lệ tốt của quốc tế, gồm: dự toán năm 2020; các báo cáo tình hình thực hiện dự toán quý I, 6 tháng, 9 tháng của năm 2019; quyết toán năm 2018. Đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng MOBI 2019 là Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin và Truyền thông, với cùng 2,44 điểm.
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đánh giá tuy có nhiều cải thiện như kết quả xếp hạng công bố nhưng các bộ, ngành vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung trong Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 về việc công khai ngân sách. So với các địa phương thì các cơ quan trung ương có cấp độ minh bạch kém hơn.
Để thực hiện tốt hơn công tác công khai NSNN trong thời gian tới, bà Đinh Thị Mai Anh, đại diện Vụ NSNN (Bộ Tài chính), cho biết bộ này sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý, hướng tới chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, sẽ tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực hiện công khai ngân sách của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng ngân sách, bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của Luật NSNN. Qua đó, giúp người dân thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát trong quá trình quản lý, sử dụng NSNN của các ngành, các cấp.
Bình luận (0)