Ngày 11-1, TAND Tối cao tổ chức hội thảo khoa học "Cải cách tư pháp tại TAND đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" - dự và phát biểu chỉ đạo.
Xây dựng nền tư pháp hiện đại
Hội thảo đánh giá sau 20 năm thực hiện cải cách theo các nghị quyết của Đảng, công tác cải cách tư pháp trong TAND đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của tòa án. Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của người dân. Công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu...
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc phân tích, đánh giá những định hướng, giải pháp cải cách tư pháp tại tòa án làm căn cứ đề xuất chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch nước, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đó là xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Do vậy, Chiến lược cải cách tư pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Ngành tòa án và cả nền tư pháp phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước yêu cầu ngành tòa án tập trung nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quan điểm, định hướng cải cách tư pháp theo tinh thần Kết luận 84 của Bộ Chính trị; đề xuất những giải pháp cải cách mới trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và xu thế phát triển chung của thế giới. Đồng thời, tập trung vào các giải pháp cải cách về tổ chức và hoạt động của TAND; phân định rõ quyền quản lý hành chính của tòa án để bảo đảm quyền độc lập giữa các cấp tòa án; đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp chuyên nghiệp, hiệu quả. Chủ tịch nước lưu ý phải xây dựng chế độ xét xử độc lập, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, tăng quyền của tòa án trong xét xử các vụ án xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước. Song song đó, chú trọng xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động xét xử của tòa án.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tham dự hội thảoẢnh: TTXVN
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng
Cùng ngày, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2021; triển khai nhiệm vụ năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã đến dự.
Ông Trần Cẩm Tú - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương - cho biết hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đánh giá tình hình và kết quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2021; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương Trần Văn Rón báo cáo kết quả trong năm 2021, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 51.620 tổ chức đảng và 272.512 đảng viên; kết luận 371 tổ chức đảng và 1.055 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; thi hành kỷ luật 7 tổ chức đảng và 308 đảng viên. UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3.005 tổ chức đảng và 8.982 đảng viên, có 4.307 cấp ủy viên các cấp. Qua kiểm tra, kết luận có 1.575 tổ chức đảng và 6.695 đảng viên vi phạm; thi hành kỷ luật 194 tổ chức đảng và 3.465 đảng viên; quyết định thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 63 đảng viên; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 6 tổ chức đảng và 20 đảng viên, yêu cầu tổ chức đảng cấp dưới thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và nhiều đảng viên.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ghi nhận công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong năm 2021 có nhiều chuyển biến mới, đạt nhiều kết quả quan trọng. Ông Võ Văn Thưởng đề nghị khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải kịp thời kiểm tra, kết luận rõ ràng, chính xác, khách quan và khắc phục triệt để, nhất là thu hồi tài sản do vi phạm mà có. UBKT và các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
"UBKT Trung ương sớm tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán…" - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chỉ đạo.
Bình luận (0)