Ngày 5-8, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp phiên thứ 20 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo.
Xử lý nghiêm tham nhũng
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo cho biết trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù có nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, song công tác xây dựng Đảng và phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, có nhiều mặt cao hơn năm trước. Nổi bật là công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực và nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm cả đương chức và nghỉ hưu, cả cán bộ cao cấp.
Ban Chỉ đạo thống nhất: Phấn đấu đến hết năm 2021, kết thúc điều tra 2 vụ án, ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ án, xét xử sơ thẩm 9 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án, kết thúc xác minh, giải quyết 5 vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Theo đó, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM, Khánh Hòa; khẩn trương đưa ra xét xử 5 vụ án. Cụ thể gồm: Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan; vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận; vụ án "Đưa hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Nhận hối lộ" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp lần thứ 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. (Ảnh do Ban Nội chính Trung ương cung cấp)
Kỷ luật trên 8.000 đảng viên
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã cho ý kiến đối với Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo để chỉ đạo phòng chống cả tham nhũng và tiêu cực. Đề án xác định đối tượng của công tác phòng chống tiêu cực là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trọng tâm chỉ đạo phòng chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ban Nội chính Trung ương tiếp thu hoàn chỉnh đề án, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định. Ban Chỉ đạo thống nhất ban hành Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Đáng chú ý, theo Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức Đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm nay, ngành Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện sai phạm về kinh tế 54.474 tỉ đồng và 1.760 ha đất; kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.499 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi 7.017 tỉ đồng và 644 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể và 2.073 cá nhân.
Mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Sài Gòn Co.op
Tại cuộc họp báo thông báo kết quả phiên họp vào chiều 5-8, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết trong số các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng bổ sung để Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo có 2 việc Ban Nội chính Trung ương được theo dõi, đôn đốc đó là: Vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới xảy ra tại An Giang (đã được khởi tố) và vụ việc liên quan đến khoản vay 111 tỉ đồng của Công ty Cửu Long Phát có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Thái Học cho biết đang mở rộng điều tra vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Liên hiệp các Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Sài gòn Co.op).
Bình luận (0)