* Phóng viên: So với Diễn đàn xúc tiến đầu tư năm 2018, nội dung kêu gọi đầu tư ở hội nghị lần này có những điểm gì khác biệt, thưa ông ?
Ông Phạm Vũ Hồng:
- Ông Phạm Vũ Hồng: Năm nay, tỉnh có nhiều dự án mới. Kiên Giang có 118 dự án kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực, tăng nhiều so với năm 2018, chỉ 64 dự án. Chúng tôi đang rất cần thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực như: Nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông sản; cấp nước và xử lý nước thải; năng lượng tái tạo; các dự án du lịch; đầu tư hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp… Đồng thời, chúng tôi cũng kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhưng thời gian qua chưa có điều kiện để khai thác tốt nhất như: Nông nghiệp hữu cơ; nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, đặc biệt là nuôi biển để khai thác lợi thế từ biển; các dự án bất động sản nhằm tận dụng đặc thù của các đô thị ven biển trên địa bàn tỉnh; các dự án du lịch trên các vùng du lịch trọng điểm; cùng các dự án về giáo dục - đào tạo; y tế chất lượng cao, văn hóa - thể thao…
* Nội dung nào được xem là điểm nhấn quan trọng trong hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, thưa ông?
- Có thể nói, tất cả dự án, danh mục kêu gọi ở hội nghị xúc tiến đầu tư lần này đều được tỉnh chọn lọc, chuẩn bị khá kỹ. Tất cả đều hết sức cần thiết và chúng tôi rất trân trọng đón nhận các nhà đầu tư. Tuy nhiên, 3 lĩnh vực mà chúng tôi ưu tiên, xem là "điểm nhấn" chính để thu hút đầu tư và phát triển trong thời gian tới đó là: Nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng thủy sản trên biển; Công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp chế nông - lâm - thủy sản gắn với nguồn nguyên liệu tại chỗ và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động; Du lịch, trọng tâm là các vùng du lịch: Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải và U Minh Thượng.
* Khu đô thị lấn biển ở Rạch Giá góp phần tạo nên một diện mạo mới, rất riêng của tỉnh Kiên Giang. Chủ trương của tỉnh có nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác?
- Hiện nay, ngoài TP Rạch Giá phát triển đô thị mới lấn biển để mở rộng không gian đô thị, còn có TP Hà Tiên đã thực hiện một số dự án lấn biển, mang lại hiệu quả tích cực và đóng góp vào việc thay đổi diện mạo, cũng như sức sống đô thị. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục rà soát quy hoạch và hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị cho các đô thị trên địa bàn tỉnh, tùy vào điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn và nhu cầu phát triển, chúng tôi sẽ quyết định việc nhân rộng mô hình này. Có thể trước mắt và sắp tới sẽ phát triển mô hình đô thị lấn biển tại đảo Hòn Tre (huyện Kiên Hải), đô thị ven biển Hà Tiên và Kiên Lương.
Khu đô thị Phú Cường (TP Rạch Giá) tạo nên một diện mạo mới cho khu đô thị lấn biển ở Kiên Giang Ảnh: THỐT NỐT
* Hà Tiên đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Tỉnh có những chính sách ưu đãi nào nhằm thu hút đầu tư mạnh vào đơn vị hành chính này?
- Hà Tiên là thành phố trẻ nhưng thời gian qua đã nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư. Chúng tôi đang tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng đô thị và Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, hoàn thiện các thủ tục thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên. Vì vậy, nếu được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì đây là cơ hội mở ra cho TP Hà Tiên nhiều triển vọng phát triển mới với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư như đối với khu kinh tế.
* Do phát triển "nóng", Phú Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý nước thải và rác thải. Tỉnh có những chính sách ưu đãi gì để sớm thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này?
- Vấn đề xử lý nước thải, rác thải đang là rào cản cho sự phát triển bền vững của Phú Quốc. Lãnh đạo tỉnh và huyện Phú Quốc luôn hết sức quyết tâm trong việc giải quyết 2 rào cản này. Chúng tôi sẽ vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực này.
Chúng tôi đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc gấp rút thực hiện thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại Phú Quốc, đến nay đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư và chuẩn bị việc sơ tuyển. Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, tỉnh sẽ lựa chọn được nhà đầu tư cho dự án nhà máy xử lý rác thải.
Đối với xử lý nước thải, tỉnh cũng đang tiến hành thẩm định công nghệ do nhà đầu tư đề xuất, nếu phù hợp và đáp ứng tiêu chuẩn, sẽ chấp thuận cho nhà đầu tư triển khai, trước mắt thí điểm một số khu vực tại thị trấn Dương Đông, An Thới.
10 dự án tiêu biểu
Khu Du lịch sinh thái U Minh Thượng (huyện U Minh Thượng): Quy mô 200 ha, tổng vốn đầu tư 2.600 tỉ đồng.
Nuôi trồng thủy sản trên biển (huyện Phú Quốc): Quy mô 850 lồng, tổng vốn đầu tư 850 tỉ đồng.
Nuôi tôm và sản xuất lúa hữu cơ (huyện Hòn Đất): Quy mô 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng.
Trung tâm nghề cá (huyện An Biên): Quy mô 80 ha, tổng vốn đầu tư 2.919 tỉ đồng.
Nhà máy sản xuất, lắp ráp hàng điện tử, máy tính, công suất 500.000 sản phẩm/năm (huyện Châu Thành và TP Hà Tiên): Quy mô 5 ha, tổng vốn đầu tư 230 tỉ đồng.
Nhà máy chế biến thực phẩm đóng hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm (huyện Châu Thành và TP Hà Tiên): Quy mô 2 ha, tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng.
Nhà máy sản xuất và gia công vali, túi xách, giày da xuất khẩu công suất 5 triệu sản phẩm/năm (TP Hà Tiên): Quy mô 4 ha, tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng.
Xử lý nước thải thị trấn Dương Đông, Phú Quốc (huyện Phú Quốc): Công suất 20.000 m3/ngày, tổng vốn đầu tư 2.600 tỉ đồng.
Xử lý nước thải TP Rạch Giá: Tổng vốn đầu tư 900 tỉ đồng.
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Thạnh Lộc (giai đoạn 2, huyện Châu Thành): Quy mô 100 ha, tổng vốn đầu tư 1.060 tỉ đồng.
Bình luận (0)