Ngày 29-3, bác sĩ Lê Hoàng Anh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết trong đề án phát triển nguồn nhân lực chung của tỉnh này thì ngành y tế đang thực hiện đào tạo 5 tiến sĩ, 41 thạc sĩ, 23 bác sĩ chuyên khoa II và 260 bác sĩ chuyên khoa I.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (đứng) trong lần kiểm tra tiến độ thi công tại Bệnh viện Đa khoa mới của tỉnh. Ảnh: Tây Vân.
Cũng theo đề án đến năm 2020, Kiên Giang phấn đấu 100% trạm y tế có hộ sinh hoặc y sĩ sản - nhi; 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh có đủ nhân lực chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh và 70% cơ sở y tế tuyến huyện có đủ nhân lực chuyên ngành lao, tâm thần và phong. Đảm bảo đạt tỉ lệ 7,9 bác sĩ/vạn dân.
Để thực hiện được điều này, ngành y tế tỉnh Kiên Giang cần 100 bác sĩ chính quy, đào tạo 80 bác sĩ theo địa chỉ và hỗ trợ cho 100 sinh viên đang theo học 2 năm cuối ở ngành này.
Theo đó, nếu 100 bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa có cam kết làm việc cho tỉnh Kiên Giang từ 5 năm trở lên sẽ được hỗ trợ kinh phí 1 lần với mức 150 triệu đồng/người. Đặc biệt, nếu những bác sĩ này tình nguyện về công tác tại các tuyến y tế cơ sở thuộc các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo còn được hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà ở. Riêng đối với những sinh viên có hộ khẩu thường trú trong tỉnh và sắp tốt nghiệp chính quy tại các trường đại học và được xếp loại học lực khá trở lên (cam kết phục vụ 5 năm trở lên) thì ngoài việc được hưởng chính sách thu hút như bác sĩ chính quy còn được hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/người/năm cho 2 năm cuối khóa. Đối với 80 bác sĩ được đào tạo theo địa chỉ sử dụng của các chuyên ngành hiếm như lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh thì được hỗ trợ 1 lần với mức 100 triệu đồng/người.
Bình luận (0)