Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết địa phương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, cho bổ sung nội dung liên quan đến quy hoạch thúc đẩy phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vào nội dung trọng điểm chỉ đạo điều phối của Hội đồng điều phối vùng cũng như của Chính phủ.
"Trung ương cần nghiên cứu có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để tạo đột phá phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ hiện đại, xanh và bền vững, cơ chế chính sách ưu đãi về đất đai, đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp đầu đàn"- ông Nguyễn Thanh Ngọc đề xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc kiến nghị các nội dung liên quan tới khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ (Ảnh: H.K)
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, có nhiều lý do để phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Theo đó, Mộc Bài nằm trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế năng động, có tốc độ phát triển nhanh với đầu tàu kinh tế là TP HCM.
Trục kết nối giữa cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài hình thành bộ ba cửa khẩu, cảng quan trọng hội đủ yếu tố "đường biển - đường hàng không và đường bộ" của vùng.
"Phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài góp phần mở rộng không gian phát triển cho TP HCM và vùng Đông Nam Bộ gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại của quốc gia"- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định.
Không gian, quy mô khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đủ lớn (diện tích trên 21.000ha) hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm sự phát triển đồng bộ về kết nối chính sách, kết nối hạ tầng và kết nối doanh nghiệp; khả năng kết nối hạ tầng "cứng" và hạ tầng "mềm" (thị trường, thể chế, con người, tri thức và hội nhập quốc tế…) để trở thành khu kinh tế thế hệ mới của quốc gia.
khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài còn nhiều dư địa để phát triển (Ảnh: K.T)
Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc, để khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển thì việc cần làm đầu tiên là sớm hoàn thành tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, bởi đây là dự án giao thông quan trọng, huyết mạch mang tính chiến lược về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của vùng và quốc gia.
Dự án được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào danh mục các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Hiện Tây Ninh đang chủ động, tích cực cùng với TP HCM hoàn tất thủ tục pháp lý đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Ngoài đầu tư cao tốc, để tăng cường tính kết nối chặt chẽ, đồng bộ về hạ tầng, ông Nguyễn Thanh Ngọc kiến nghị nghiên cứu hình thành đường sắt tốc độ cao Mộc Bài- TP HCM. Đồng thời, nghiên cứu sớm xúc tiến quy hoạch sân bay Tây Ninh trở thành cảng hàng không, sân bay dân dụng vệ tinh, giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất cũng như kết nối giữa khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen với các điểm du lịch trong nước và quốc tế...
Becamex IDC đề xuất mở tuyến đường 10 làn xe kết nối Bình Dương Tây Ninh
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC (doanh nghiệp có vốn chi phối của UBND tỉnh Bình Dương) cho rằng khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có vai trò rất quan trọng trong giao thương kinh tế vùng Đông Nam Bộ với Campuchia.
Mới đây, Tổng Công ty Becamex IDC đã có buổi làm việc với tỉnh Tây Ninh, đề xuất mở tuyến đường 10 làn xe để kết nối công nghiệp giữa Tây Ninh và Bình Dương. Tuyến đường nếu thực hiện được sẽ kết nối từ huyện Bàu Bàng đến huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), qua huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) và kết nối với khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Tuyến đường sẽ đi qua một số khu công nghiệp, qua đó sẽ kết hợp phát triển các khu công nghiệp đô thị dịch vụ tại Tây Ninh. Ngoài ra, Tổng Công ty Becamex IDC cũng nghiên cứu, triển khai đầu tư dự án Khu Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Bình luận (0)