Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM - cho biết Vành đai 2 là trục giao thông huyết mạch, mang tính chiến lược, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của TP HCM, bảo đảm kết nối giao thông thông suốt các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên việc chậm khép kín tuyến đường này ngày nào là bất lợi ngày ấy.
Nhiều vướng mắc
Theo Sở GTVT, sau 3 năm khởi công, đường nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7 km vẫn dang dở. Đây là 1 trong 4 đoạn chưa khép kín thuộc dự án Vành đai 2. Đoạn đường trên khởi công từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) do Công ty CP Văn Phú Bắc Ái làm nhà đầu tư với chi phí hơn 2.500 tỉ đồng; trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.410 tỉ đồng được tách thành dự án riêng do quận Thủ Đức thực hiện.
Để mục sở thị, từ đường Gò Dưa, chúng tôi tìm đến công trường đang thi công đoạn đường nối 2,7 km thuộc phường Tam Bình, quận Thủ Đức. Đường dẫn vào công trường toàn rác, hai bên cây cỏ mọc um tùm. Nhiều ống cống lớn nằm ngổn ngang trên công trường, hai con đường thi công dang dở song song nhau dài hơn 200 m chênh vênh giữa đồng trống. Từ xa, nhà điều hành công trình cũng hiu hắt, chỉ còn một vài công nhân thay ca ở lại trông chừng vật tư.
Sau 3 năm thi công, đoạn Vành đai 2 nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7 km vẫn dở dang vì nhiều vướng mắc Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Gặp những hộ dân còn bám trụ, chưa bàn giao mặt bằng cho dự án trên đường số 11, bà Nguyễn Thị Tuyết Phượng (71 tuổi) nói bà đồng ý chủ trương, chấp thuận bàn giao mặt bằng nhưng đề nghị UBND quận Thủ Đức xem xét hỗ trợ một nền nhà nhỏ để an cư tuổi già. Lý do là bà không có khả năng mua chung cư và trả góp hằng tháng như phương án quận đưa ra bởi số tiền đền bù căn nhà chỉ 670 triệu đồng.
Gần đó, anh Nguyễn Hữu Tâm cũng bám trụ chưa dám nhận 140 triệu đồng tiền đền bù vì chưa biết làm gì, đi đâu sống. Anh mong chờ quận có phương án hỗ trợ chỗ ở dù nhỏ cũng được. Cách đó hơn 500 m, đoạn đầu kết nối ra nút giao Gò Dưa, nhiều hộ dân đang tháo dỡ nhà cửa bàn giao mặt bằng cho dự án, tuy nhiên khu vực này vẫn còn gần 10 hộ chưa bàn giao mặt bằng do chưa thỏa thuận được phương án bồi thường.
Đến nay việc chi trả bồi thường dự án này chỉ đạt 79% và diện tích mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư đạt 75%. Ngoài ra, công trình đang chờ các thủ tục pháp lý điều chỉnh dự án do phải thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, gồm điều chỉnh tổng mức đầu tư, cập nhật số liệu tài chính và nội dung chưa phù hợp của hợp đồng BT; làm thủ tục đối với các khu đất trong danh mục thanh toán đã ký tại hợp đồng BT với nhà đầu tư…
Phải chung tay tháo gỡ
Ông Trần Đức Thắng - Giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái - cho hay ngoài chờ quận Thủ Đức bàn giao mặt bằng thì công ty này còn chờ UBND TP HCM phê duyệt các khu đất thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT đã ký kết. "Chúng tôi đã ứng gần 1.400 tỉ đồng chi trả giải phóng mặt bằng và thi công cho dự án trên nhưng chưa được thanh toán" - ông Thắng nói.
Theo ông Phan Công Bằng, Vành đai 2 hiện chỉ khép kín 50 km/64,1 km (78,31%), còn lại khoảng 14 km đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai và chia 4 giai đoạn thực hiện để khép kín toàn bộ tuyến. Trong đó, giai đoạn 3 là dự án đường nối từ Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7 km như đã nêu trên. "Trước tình trạng dự án dở dang, Sở GTVT kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính rà soát, báo cáo các khu đất thanh toán cho nhà đầu tư theo chỉ đạo của UBND TP. Đặc biệt, đã đề nghị quận Thủ Đức thúc đẩy công tác bồi thường giải phóng mặt bằng" - phó giám đốc Sở GTVT TP thông tin.
Còn 3 giai đoạn còn lại được tính toán thế nào? Theo ông Phan Công Bằng, giai đoạn 1 sẽ từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5 km với 6 làn xe, chi phí đầu tư khoảng 9.000 tỉ đồng. Giai đoạn 2 kết nối từ xa lộ Hà Nội đến Phạm Văn Đồng dài 2,5 km, chi phí đầu tư khoảng 5.600 tỉ đồng. "Cả 2 giai đoạn này đề xuất thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách" - ông Bằng cho hay. Với giai đoạn 4 kết nối từ Quốc lộ 1 đến Nguyễn Văn Linh dài 5,3 km chi phí đầu tư 9.240 tỉ đồng, theo ông Bằng thì dự án đang lập chủ trương đầu tư công.
Theo phó giám đốc Sở GTVT, khó khăn hiện nay đối với 14 km chưa khép kín này chủ yếu là chờ thông qua chủ trương đầu tư. Như giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của tuyến do chưa thông qua chủ trương đầu tư dự án nên chưa có cơ sở thực hiện, đoạn 4 thì chưa được bố trí vốn để nghiên cứu tiền khả thi. "Vì vậy Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan thường trực hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư các dự án sớm xem xét, thẩm định đối với các hồ sơ đề xuất các dự án, kịp thời báo cáo Thường trực UBND và Ban Thường vụ Thành ủy có ý kiến chỉ đạo để HĐND TP thông qua trong tháng 12 này" - ông Phan Công Bằng cho biết.
Thúc bàn giao mặt bằng Vành đai 3
Theo Sở GTVT TP HCM, dù việc đầu tư tuyến Vành đai 3 thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT nhưng để thúc tiến độ hoàn thành tuyến đường này, Sở GTVT TP đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo các địa phương (nơi tuyến đường đi qua) như huyện Bình Chánh sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đoạn thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành trong quý IV/2020; chỉ đạo các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, UBND quận 9 sớm điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch... sẽ thi công vào đầu năm 2021.
Đường Vành đai 3 bắt đầu từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua địa phận TP HCM (quận 9, các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh dài khoảng 53,89 km chiếm 55%) và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và kết thúc tại cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Bình luận (0)