Trong báo cáo của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình UBND TP HCM nêu tình hình vận tải hành khách trên địa bàn, hàng loạt lĩnh vực đều trong tình cảnh sụt giảm nghiêm trọng sản lượng khách. Từ hệ thống vận tải hành khách công cộng cho đến các bến xe liên tỉnh, đường sắt, hàng không..., sản lượng khách thống kê đều là những con số ảm đạm.
Tổng khối lượng vận chuyển vận tải hành khách công cộng tại TP tính từ ngày 1-2 đến hết 22-3 chỉ đạt gần 43 triệu lượt khách (giảm 46% so với cùng kỳ năm 2019). Riêng xe buýt giảm tới 56%.
Trong đó, xe buýt có trợ giá với 96 tuyến đang hoạt động đạt 636.695 chuyến, vận chuyển khoảng 11,5 triệu lượt khách (giảm 21% số chuyến và 55% sản lượng so với cùng kỳ).
Tương tự, sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh thông qua các bến xe trên địa bàn TP, từ ngày 1-2 đến 22-3 cũng giảm 14% so với năm 2019, đạt hơn 4,1 triệu lượt, với 284.637 lượt xe phục vụ.
Và cũng ảm đạm không kém, ngành đường sắt tại TP tính từ ngày 1-2 đến 17-3, chỉ đạt 130.047 lượt khách (giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái). Đặc biệt, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 2 năm nay chỉ đạt hơn 2,8 triệu lượt khách, giảm 50% lượng khách trong nước và 90% khách quốc tế so với tháng 2-2019.
Sản lượng vận tải hành khách liên tỉnh thông qua các bến xe trên địa bàn TP, từ ngày 1-2 đến 22-3 giảm 14% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt hơn 4,1 triệu lượt
Trước thực trạng trên, để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét giảm giá các loại dịch vụ đối với các đơn vị hoạt động tuyến cố định tại bến xe trên địa bàn.
Mặt khác, từ ngày 1-4, Nghị định 10/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (thay thế Nghị định 86) có hiệu lực, trong đó quy định các đơn vị vận tải khách theo hợp đồng, du lịch, taxi phải gắn cố định cụm từ "XE HỢP ĐỒNG", "XE DU LỊCH", "XE TAXI" (tương ứng với loại hình kinh doanh), Sở GTVT kiến nghị lùi thời gian thực hiện để giảm tối đa các chi phí do hiện nay, doanh nghiệp đều gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm.
Trong khi đó, với riêng hệ thống xe buýt, Sở GTVT đề xuất tính trợ giá theo phương pháp thực thanh, thực chi, cụ thể là theo công thức: Trợ giá bằng chi phí trừ doanh thu thực hiện thực tế (sản lượng thực hiện thực tế).
Các chuyến xe buýt tại TP HCM hơn 1 tháng nay luôn trong cảnh vắng khách
Đồng thời, Sở GTVT cũng đánh giá sản lượng khách đi xe buýt đang tiếp tục giảm và dự kiến còn kéo dài nếu tình hình dịch Covid-19 chưa giảm. Do đó, ngoài đề xuất thay đổi cách tính trợ giá nêu trên, Sở kiến nghị UBND TP chỉ đạo các tổ chức tín dụng tại TP đang cho doanh nghiệp vận tải xe buýt vay vốn hoạt động có giải pháp hỗ trợ gia hạn thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay... Việc này sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho các đơn vị vận tải xe buýt trong giai đoạn hiện nay và giúp hoạt động của hệ thống xe buýt được ổn định.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan giao Sở GTVT cùng các sở - ngành liên quan rà soát cơ sở pháp lý và tình hình thực tế để tham mưu, đề xuất bổ sung dự toán chi ngân sách trợ giá năm 2020 cho hệ thống xe buýt nhằm hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị vận tải. Mức trợ giá bổ sung phải được tính toán trên cơ sở sản lượng, doanh thu kỳ vọng (đã thống nhất qua việc đặt hàng với các đơn vị vận tải) so với sản lượng, doanh thu thực tế phù hợp với đặc thù từng tuyến.
Bình luận (0)