Theo ông Dương Mạnh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai, năm 2019, UBND tỉnh này đã phê duyệt phương án quy hoạch phát triển kết cấu GTVT đường thủy nội địa trên địa bàn giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Theo đó, tuyến đường thủy nội địa quốc gia và tuyến đường thủy nội địa địa phương trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 90 cảng, bến thủy, bến khách ngang sông và dọc sông được cấp phép hoạt động.
Nơi nào cũng cấp bách
Tuy nhiên, theo ông Hưng, qua thực tế hơn 3 năm phê duyệt phương án quy hoạch phát triển kể trên, đã có nhiều địa phương trong tỉnh kiến nghị cấp bách bổ sung các bến thủy nội địa để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành (Đồng Nai) Lê Hoàng Sơn cho hay định hướng giai đoạn 2026-2035, huyện phát triển 2 bến du lịch là bến Tam An và bến Phước Thái. Tuy nhiên, qua khảo sát, huyện kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu bổ sung bến du lịch trên sông Suối Cả (xã Long Phước) vị trí tiếp giáp khu đất quy hoạch khu du lịch sinh thái. Ông Sơn cũng cho rằng sau năm 2030, huyện sẽ còn tính toán quy hoạch bổ sung bến cảng tổng hợp Gò Dầu và bến cảng tổng hợp Phước Thái với tổng diện tích 261 ha trên sông Thị Vải (tại địa bàn xã Phước Thái) để bảo đảm kết nối với đường bộ thông qua đường Phước Bình để vào Quốc lộ 51. "Các bến thủy và bến cảng trên khi đi vào hoạt động sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của địa phương theo từng giai đoạn" - Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành nói.
Phà chở khách từ bến thủy ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) sang huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) cho hay hiện địa phương có 4 cụm bến thủy nội địa với 15 bến đang hoạt động. Tuy nhiên, có 3 bến thủy phục vụ vận chuyển xây dựng tại xã Đại Phước phải ngừng hoạt động vì không nằm trong phương án quy hoạch phát triển kết cấu GTVT đường thủy trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được phê duyệt năm 2019. Do đó, huyện Nhơn Trạch vừa đề xuất UBND tỉnh xem xét bổ sung lại 3 bến thủy nội địa trên vào quy hoạch để giải quyết bài toán nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn. "Việc bổ sung này là hết sức quan trọng và cấp thiết" - đại diện UBND huyện Nhơn Trạch khẳng định.
Nhu cầu bổ sung bến thủy nội địa tại huyện Định Quán (Đồng Nai) cũng cấp bách không kém. Lãnh đạo địa phương này khẳng định việc bổ sung quy hoạch các bến thủy nội địa là để phục vụ phát triển du lịch của nơi này. "Trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2025-2030, huyện đã quy hoạch phát triển khai thác ven sông Đồng Nai đối với địa bàn 2 xã La Ngà và Phú Ngọc. Mục tiêu là phát triển mô hình du lịch sinh thái nên việc phải bổ sung các bến thủy là điều kiện tiên quyết để hoàn thành mục tiêu phát triển của địa phương" - lãnh đạo huyện Định Quán nhấn mạnh.
Ở Bình Dương, có không ít doanh nghiệp (DN), nhất là DN trong lĩnh vực du lịch xin được mở bến thủy nội địa. Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành - Tổ chức sự kiện Việt Nam (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), khẳng định tiềm năng phát triển du lịch bằng đường sông của Bình Dương rất lớn. "Từ những đợt khảo sát thực tế, chúng tôi đánh giá tại khu vực Rạch Bắp và An Tây (thị xã Bến Cát) trên tuyến sông Sài Gòn có vị trí đường bờ bao An Tây 044 là phù hợp tổ chức Bến thủy nội địa An Tây, phục vụ phát triển du lịch Tây Nam Bến Cát và địa điểm này lại nằm ngay sau lưng địa đạo Tam Giác Sắt chỉ 300 m đường nông thôn thông thoáng. Do đó, công ty đã gửi công văn và hồ sơ thiết kế Bến thủy nội địa An Tây đến Sở GTVT tỉnh Bình Dương xin cấp phép hoạt động" - ông Hùng cho biết.
Nhu cầu có thật
Theo ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, công tác lập và điều chỉnh bổ sung chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa để tạo thuận tiện giao lưu hàng hóa giữa các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và với các tỉnh lân cận hiện tại là hết sức cần thiết.
Ông Hiếu thông tin thêm, theo quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt, thì trên tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính có 98 bến hàng hóa, hiện đã cấp phép hoạt động cho 63 bến. Đối với bến hành khách, có 17 bến nằm trong quy hoạch nhưng mới 3 bến được cấp phép. Trong khi đó, hiện có nhiều DN lại đề xuất bổ sung vào quy hoạch nhiều bến thủy nội địa. Trong đó, Công ty TNHH Trang An đề xuất thêm bến hàng hóa Trang An 3 trên sông Thị Tính; Công ty CP Xây dựng - Tư vấn - Đầu tư Bình Dương đề xuất mở bến tàu khách ở khu đô thị Biconsi Riverside trên sông Đồng Nai và bến tàu khách Bạch Đằng trên sông Sài Gòn… "Trước thực tế này, thời gian tới, Bình Dương tiến hành rà soát theo danh sách và có đề xuất bổ sung bến thủy nội địa vào quy hoạch, đồng thời đề xuất loại bỏ những bến thủy nội địa không còn phù hợp với điều kiện của địa phương" - ông Nguyễn Chí Hiếu cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng cho rằng thực tế hiện nay, nhu cầu của các địa phương cũng có sự thay đổi nên cần thiết phải bổ sung quy hoạch. Tuy nhiên, để được bổ sung, các địa phương phải rà soát kỹ và có báo cáo cụ thể để tỉnh xem xét.
Bà Hoàng cũng yêu cầu Sở GTVT có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu của các địa phương cũng như ý kiến của các cơ quan chức năng báo cáo UBND tỉnh làm cơ sở để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh. UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở TN-MT, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch rà soát lại các bến du lịch, bến đò ngang, đò dọc có thể phát triển nhằm phục vụ mục đích công cộng thì đưa vào danh mục đầu tư công... "Đặc biệt, đối với các bến du lịch, cần rà soát để thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách. Sau khi đầu tư xong các bến thủy trên thì giao cho địa phương quản lý, khai thác trên cơ sở phục vụ nhu cầu của các đơn vị có nguyện vọng khai thác để phát triển du lịch" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu.
Bình luận (0)