Hoạt động gần 2 năm nhưng từ tháng 2-2018 đến nay, bến vật liệu xây dựng của ông Phạm Văn Hảo (phường An Phú Đông, quận 12, TP HCM), nằm cặp sông Sài Gòn, bất ngờ phải tạm ngưng hoạt động chờ gia hạn giấy phép.
Chủ bến chờ, địa phương đắn đo
Theo ông Hảo, để được cấp phép mở bến thủy trên ông phải đổ khoảng 35.000 m3 cát, đóng hàng ngàn cây cừ xuống bờ sông và đặt hẳn 1 sà lan 900 tấn để gia cố bờ, chưa kể con đường dẫn vào bến dài gần 500 m cũng được ông đổ bê-tông, đất đá thường xuyên nhằm bảo đảm tải trọng cho xe ra vào. Tổng số tiền đầu tư hơn 4 tỉ đồng. Do đó, chậm được gia hạn giấy phép ngày nào là ông Hảo phải "ôm nợ" ngày đó. "Từ lúc giấy phép hết hạn đến nay đã hơn 1 năm, chiếc sà lan nằm bờ. Mấy lần tôi chạy lên quận thì quận chỉ sang Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Thế nhưng khi lên sở thì lại được bảo là chờ ý kiến của quận…" - ông Hảo kể về nỗi khổ của mình.
Một trong 13 bến thủy nội địa ở quận 12 phải ngưng hoạt động hơn năm qua vì chưa được gia hạn giấy phép khiến chủ bến đứng ngồi không yên
Không chỉ ông Hảo, dọc sông Sài Gòn (đoạn thuộc quận 12), có đến 12 bến thủy vật liệu xây dựng cùng chung số phận - hết hạn giấy phép hoạt động nhưng không được gia hạn.
Tương tự, địa bàn huyện Bình Chánh có hàng chục bến thủy chờ địa phương xem xét, đề xuất Sở GTVT TP gia hạn giấy phép. Hầu hết các bến này là bến vật liệu xây dựng. Ông Tr. - chủ một doanh nghiệp ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh - ngao ngán nói: "Tôi đổ rất nhiều tiền để đầu tư bến này, đùng một cái địa phương bảo phải chờ để xem xét lại điều kiện hoạt động rồi gia hạn giấy phép khiến tôi rất hoang mang. Nếu như phải ngừng kinh doanh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống gia đình".
Trong khi đó, lý giải việc ngừng gia hạn giấy phép cho 13 bến thủy trên địa bàn, ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết hiện nay việc cấp phép hoạt động cho các bến thủy thuộc thẩm quyền Sở GTVT TP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, còn quận trực tiếp quản lý sẽ có ý kiến để các sở căn cứ vào đó cấp giấy phép. "13 bến này chưa gia hạn giấy phép chủ yếu nằm trên công trình bờ hữu sông Sài Gòn. Các tuyến đường kết nối với bãi vật liệu là đường dân cư, xe chở vật liệu ra vào gây mất an toàn giao thông, khói bụi, ảnh hưởng hạ tầng bị người dân phản ánh rất nhiều…. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã linh hoạt xây dựng tiêu chí để bảo đảm cho các bến thủy hoạt động, trong đó ngoài nâng cấp các tuyến đường dọc bờ bao, chủ bến phải được sự đồng thuận của người dân quanh khu vực. Việc này, chúng tôi cũng đã cho họ thời gian bổ sung điều kiện nhưng khi rà soát lại không bến nào đáp ứng được nên chưa đề xuất" - ông Đậu An Phúc thông tin.
Sở GTVT hứa sẽ sớm gỡ vướng
Ông Hà Thanh Sơn - Trưởng Phòng Quản lý giao thông thủy, Sở GTVT TP HCM - nhìn nhận vai trò của các bến thủy nội địa trên địa bàn TP có đóng góp không nhỏ. Cụ thể, không chỉ góp phần chia "lửa", giảm tải áp lực giao thông cho đường bộ mà các bến thủy còn giải quyết nhu cầu vật liệu xây dựng cho người dân địa phương. "Hầu hết các địa phương trong thời gian chờ Quy hoạch mạng lưới cảng bến và đường thủy trên địa bàn TP HCM đến năm 2030 đều chủ động rà soát, chấp thuận để Sở GTVT TP tiếp tục gia hạn giấy phép cho các bến trên địa bàn" - ông Sơn nhận xét.
Không ít chủ bến ở quận 12, huyện Bình Chánh, thắc mắc trước đây dù hạ tầng xung quanh không tốt được như bây giờ thì lại được cấp phép nhưng nay lại không được gia hạn?
Theo ông Sơn, 13 bến vật liệu xây dựng được UBND quận 12 đề xuất không gia hạn giấy phép do không đủ điều kiện về kết nối giao thông đường bộ, không bảo đảm an toàn giao thông nên sở chưa gia hạn giấy phép. "Riêng huyện Bình Chánh hiện chưa có ý kiến về việc gia hạn hay không gia hạn cho 64 bến thủy nên chưa được gia hạn là lẽ đương nhiên" - ông Sơn thông tin.
Ông Sơn cũng cho rằng khi chưa có cơ sở pháp lý cũng như quy hoạch chung, các địa phương khá bối rối cũng như đắn đo về điều kiện tồn tại các bến thủy nội địa trên địa bàn mình là điều dễ hiểu. Do đó, để chủ động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh bến thủy nội địa, Sở GTVT TP đã soạn thảo tiêu chí về điều kiện hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn TP. "Dự thảo đã được gửi các sở, ngành và Cục Đường thủy nội địa góp ý, sau khi thống nhất sẽ trình UBND TP HCM thông qua. Khi có tiêu chí chung, các địa phương căn cứ vào đó để giám sát hoạt động các bến thủy trên địa bàn mình" - ông khẳng định.
Tiêu chí mới cần gì?
Theo dự thảo Sở GTVT TP HCM gửi các sở, ngành góp ý thì điều kiện hoạt động bến thủy đầu tiên phải kết nối giao thông đường bộ (chiều rộng đường từ 5-7 m, được trải bê-tông xi-măng hoặc đá cấp phối) và bảo đảm tải trọng cho phép tối thiểu 5 tấn; bờ kè dọc bến phải được gia cố chống sạt lở; phải trang bị đầy đủ biển báo hiệu, phương tiện phòng cháy chữa cháy...
Theo Thanh tra Sở GTVT TP HCM, hiện còn 55 bến thủy nội địa hoạt động không có giấy phép trên các tuyến sông, kênh, rạch của TP. Theo đó, từ ngày 1-1-2019 đến nay, đơn vị này đã lập 41 biên bản vi phạm với số tiền xử phạt là 365.000.000 đồng.
Bình luận (0)