"Làm đúng quy trình cũng bị cho là vi phạm nên chúng tôi kiến nghị HĐQT cho tạm dừng dự án để xác minh làm rõ" - ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng Giám đốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cho biết.
Trước đó, ngày 17-4, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nhận được Văn bản số 3033/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai đầu tư Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: "Yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cùng với UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan, đơn vị có liên quan giám sát chặt chẽ chất lượng thi công dự án nêu trên theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm tương tự như thời gian vừa qua".
Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận
Đại diện BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho rằng Bộ GTVT đã không có sự phối hợp với chủ đầu tư mà ra Văn bản số 3821/BGTVT-CQLXD ngày 8-4 gửi Thủ tướng Chính phủ nên nội dung báo cáo không đúng với thực tế vấn đề vật liệu tại gói thầu XL10 của dự án, gây hiểu lầm về chất lượng, không có cơ sở để chủ đầu tư tiếp tục triển khai làm rõ các vi phạm, dẫn đến nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu không thể tiếp tục thi công các bước tiếp theo.
Theo đại diện BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, nguồn vật liệu cấp phối đá dăm gia tải cho gói thầu XL10 đã được chủ đầu tư tổ chức kiểm tra, chấp thuận nguồn gốc cấp phối đá dăm loại 1 tại mỏ đá Thạch Phú 2 theo quy định.
Tiến sĩ Nguyễn Công Phú, Tổng Giám đốc Apave châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định theo chỉ dẫn kỹ thuật đã được Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT chấp thuận (báo cáo thẩm định số 3116/CQLXD-ĐB3 ngày 29-9-2015) thì vật liệu dùng để gia tải có thể là vật liệu xây dựng nền đường hoặc vật liệu khác/vật liệu không thích hợp khác...".
"Do đó, việc dự án mới chỉ đang thi công ở công đoạn gia tải để tăng độ cố kết nền đất yếu, thì việc sử dụng cấp phối đá dăm hay bất cứ vật liệu nào khác để gia tải đều không hề vi phạm bất cứ quy định nào theo chỉ dẫn kỹ thuật của Bộ GTVT" - tiến sĩ Phú nhấn mạnh.
Ngày 27-3, nhà cung cấp vận chuyển 1 xà lan 310 m3 cấp phối đá dăm loại 1 (tương đương 135 triệu đồng) về tập kết tại gói thầu XL10. Đây là đợt tập kết đá gia tải đầu tiên của gói thầu XL10, tất cả vật liệu cấp phối đá dăm chưa đến bước đưa vào sử dụng làm móng mặt đường. Tư vấn giám sát đã lấy mẫu thí nghiệm, kiểm tra và công bố đạt yêu cầu chất lượng. Dự án đang thực hiện gia tải, là bước chất tải để tăng tốc độ cố kết của nền đất yếu. Theo Hồ sơ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật đã được Bộ GTVT (báo cáo thẩm định số 3116/CQLXD-ĐB3 ngày 29-9-2015) chấp thuận, vật liệu dùng để gia tải có thể là cát, cấp phối đá dăm hoặc các loại vật liệu khác.
Công ty này cho rằng chất lượng 310 m3 cấp phối đá dăm nói trên được nhà cung cấp vận chuyển đến công trường đạt yêu cầu để gia tải và tuân thủ theo quy định về quản lý chất lượng công trình. Tuy nhiên, chủ đầu tư yêu cầu nhà cung cấp phải chứng minh được quy trình sản xuất vật liệu phù hợp theo quy định nên chưa đưa vào sử dụng. Nếu nhà cung cấp chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục thì khối lượng 310 m3 cấp phối đá dăm loại 1 sẽ được thanh thải khi kết thúc công tác gia tải mà không sử dụng để làm vật liệu đắp nền đường.
Ông Nguyễn Tấn Đông cho hay: "Chúng tôi đồng tình với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng "giám sát chặt chẽ chất lượng thi công dự án nêu trên theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tiến độ, hiệu quả". Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do không rõ ràng, báo cáo không trung thực khi không thể tìm ra nguyên nhân vi phạm thì làm sao tránh khỏi việc sẽ vi phạm xảy ra tương tự và cũng sẽ ảnh hưởng xấu tiến độ dự án?".
Công ty đề nghị Bộ GTVT chỉ rõ việc vi phạm và hướng dẫn để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Khi các bên liên quan báo cáo thực trạng liên quan đến dự án cần xác minh làm rõ với chủ đầu tư. Sau khi kiểm tra, vẫn chưa xác định trong thời gian qua đã để xảy ra vi phạm nào như ý kiến của Bộ GTVT. Ban điều hành đã báo cáo HĐQT xin "tạm dừng thi công dự án" để tìm hiểu rõ vi phạm ở khâu nào, xác minh lại tính đúng đắn của chỉ dẫn kỹ thuật đã được Bộ GTVT thẩm định.
Được biết, tính đến tháng 12-2019, UBND tỉnh Tiền Giang đã bàn giao 100% mặt bằng tuyến chính. Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dự án đã triển khai đạt 40% sản lượng (tăng hơn 30% so với thời điểm tháng 3-2019).
Bộ GTVT báo cáo gì với Thủ tướng?
Ngày 8-4, Bộ trưởng GTVT có văn bản số 3281/BGTVT-CQLXD gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về chất lượng thi công Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Ngày 5-4, sau khi nhận thông tin của Thủ tướng về vấn đề chất lượng thi công dự án thì ngày 6-4, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan của bộ làm việc với Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) và phối hợp tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường.
Bộ GTVT cho biết theo báo của Công ty CP Trung Lương- Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án), chất lượng cấp phối đá dăm mỏ đá Thạch Phú 2 bảo đảm yêu cầu xây dựng công trình, được chủ đầu tư, tư vấn giám sát chấp thuận là nguồn cung ứng cho dự án. Tuy nhiên, nhà cung ứng sử dụng giải pháp trộn các loại đá với phương pháp, dây chuyền thiết bị chưa được tư vấn giám sát chấp thuận. Ngày 13-3, nhà cung ứng vật liệu chuyển 310 m3 cấp phối đá dăm đến công trường gói thầu XL10, tư vấn giám sát tạm cho phép sử dụng làm vật liệu gia tải xử lý nền đất yếu thay cho cát.
Sở GTVT Tiền Giang đã có văn bản ngày 31-3 yêu cầu doanh nghiệp dự án kiểm tra, đảm bảo nguồn gốc vật liệu sử dụng dự án; đồng thời tổ chức lấy mẫu thí nghiệm để có cơ sở đánh giá, xử lý. Cùng với đó, doanh nghiệp dự án đã tổ chức kiểm tra và xác nhận có sự việc nêu trên, đồng thời đã kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị, cá nhân có liên quan, xử lý nhà thầu cung ứng vật liệu bằng hình thức đình chỉ cung ứng và chỉ đạo khoanh vùng khối lượng đã sử dụng gia tải để loại bỏ sau khi gia tải (Văn bản số 773/2020/BOT-TLMT ngày 1-4).
Ngày 6-4, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã cùng các cơ quan liên quan của tỉnh Tiền Giang kiểm tra thực tế hiện trường, thấy khối lượng vật liệu cấp phối đá dăm đã được nhà thầu đào, loại bỏ ra ngoài công trình (vận chuyển tập kết vào bãi)
"Việc đưa vật liệu cấp phối đá dăm sản xuất theo phương pháp, dây chuyền chưa được tư vấn chấp thuận và chưa có kết quả thí nghiệm vào công trình là chưa đúng quy định; tư vấn, nhà thầu chưa kiên quyết loại bỏ ngay ra khỏi công trình mà cho sử dụng làm vật liệu gia tải là chưa thực hiện đúng quy định, gây dư luận không tốt với dự án. Vì vậy đề nghị chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị tư vấn, nhà thầu chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng thi công công trình"- Văn bản Bộ GTVT nêu, đồng thời cho biết đến nay, chủ đầu tư đã chỉ đạo thực hiện loại bỏ toàn bộ khối lượng cấp phối đá dăm chưa đảm bảo yêu cầu ra khỏi công trình.
Bình luận (0)