Ngày 4-6, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Bộ trưởng đã trả lời nhiều nội dung về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy; hoạt động "tín dụng đen", băng nhóm theo kiểu "xã hội đen"...
Nhiều lý do khiến tội phạm ma túy tăng
Với nhóm vấn đề về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của ĐBQH.
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho rằng vấn đề ngăn chặn, trấn áp tội phạm ma túy là rất quan trọng nhằm làm giảm phạm pháp hình sự trong nước Ảnh: VĂN DUẨN
ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đặt vấn đề về năng lực của ngành công an khi để lọt nhiều đối tượng vận chuyển số lượng ma túy tính bằng tấn vào Việt Nam gây mất an ninh, an toàn xã hội. "Vận chuyển, mua bán ma túy không còn tính bằng gam hay kilogam mà được tính bằng tấn. Công tác phòng chống còn nhiều hạn chế, hiệu quả còn thấp" - ĐB Yến Linh nhấn mạnh.
Cùng quan tâm, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) dẫn các báo cáo của ngành công an cho thấy vụ án về ma túy gia tăng cả về số vụ, số bị cáo và số lượng ma túy. Các báo cáo cũng chỉ ra Việt Nam đang trở thành địa bàn lý tưởng cho loại tội phạm này trung chuyển ma túy. Qua đó, ĐB Hiển cho rằng có lỗ hổng yếu kém trong công tác kiểm tra, kiểm soát dẫn đến lượng ma túy lớn xâm nhập nội địa.
Trả lời chất vấn của các ĐB, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam ở rất gần khu vực Tam giác vàng - "thủ phủ ma túy" - nên loại tội phạm này diễn biến phức tạp. "Chúng ta cách Tam giác vàng 500 km, việc vận chuyển dễ dàng cộng với chính sách mở cửa của ta trong tất cả các mặt nên tội phạm dễ lợi dụng. Ngoài ra, đường biển, đường biên giới của chúng ta rất dài nên kiểm soát rất khó khăn" - ông Tô Lâm nêu thực tế. Người đứng đầu ngành công an cũng nhắc đến việc buôn bán ma túy đã chuyển hướng, tội phạm muốn biến Việt Nam thành địa bàn trung chuyển, 80% lượng ma túy vào nước ta sẽ được xuất đi các nước ở Mỹ Latin, châu Âu, châu Úc...
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, ngành công an nhận thức sâu sắc tội phạm ma túy là "tội phạm của các loại tội phạm", từ tội phạm ma túy sẽ sinh ra trộm cắp, cướp của, giết người cướp của. "Chúng tôi cũng lượng tính, cứ một bánh ma túy lọt vào Việt Nam thì khoảng 10 gia đình có người đi tù, vi phạm pháp luật. Từ ma túy sẽ nảy sinh các loại tội phạm khác. Vấn đề ngăn chặn, trấn áp tội phạm ma túy là rất quan trọng nhằm làm giảm phạm pháp hình sự trong nước" - Bộ trưởng nói.
Có bảo kê cho tội phạm ma túy
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), cho rằng cử tri và dư luận đặt vấn đề đến trách nhiệm của các lực lượng tại chỗ đã để các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy thâm nhập đóng hàng tại địa phương đó. "Ngành công an xử lý như thế nào đối với lực lượng công an đóng trên địa bàn đó? Mặt khác, có ý kiến cho rằng có sự bảo kê của một số cán bộ công an thoái hóa, biến chất? Quan điểm giải quyết của Bộ Công an như thế nào?" - ĐB Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Công an trả lời rằng với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, thủ trưởng công an của các đơn vị phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Vừa qua, chúng tôi đã thay đổi, bố trí lại một số giám đốc công an tỉnh để xảy ra tình hình tội phạm gia tăng; thậm chí kỷ luật, điều động công tác khác. Các cấp công an quận - huyện, phường - xã cũng phân cấp xử lý như vậy".
Về câu hỏi nghi ngờ có bảo kê tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận tội phạm không từ thủ đoạn nào để tấn công, vô hiệu hóa lực lượng công an; từ làm quen rồi có mối quan hệ, đến dụ dỗ, mua chuộc... Nếu không được thì bọn chúng dùng vũ lực để tấn công, đe dọa. Không được nữa thì xuyên tạc, vu khống, nói xấu, hạ uy tín.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong quá trình đó có những cán bộ, chiến sĩ không giữ được mình dẫn đến sa ngã, quan hệ với các loại tội phạm. Thậm chí còn làm ngơ để tội phạm hoạt động hoặc thậm chí là bảo kê cho tội phạm. "Chúng tôi xử lý rất nghiêm những trường hợp cán bộ bảo kê cho tội phạm, từ xử lý hành chính đến hình sự không có vùng cấm, bất kể ở cấp nào, để khôi phục lòng tin của nhân dân đối với lực lượng công an" - Bộ trưởng khẳng định.
Bịt kẽ hở, không để tội phạm bỏ trốn
Từ vụ việc ông Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, bỏ trốn gây xôn xao dư luận thời gian qua, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) và ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) đặt hàng loạt vấn đề: Để tội phạm bỏ trốn, gây nghi ngờ, hoang mang trong dư luận xã hội, vậy có cách nào ngăn chặn tình trạng này? Có hay không việc lộ, lọt thông tin và bảo kê khiến nhiều đối tượng có tiền, có địa vị bỏ trốn trước khi có quyết định khởi tố?
Trả lời chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng trước đây luật pháp quy định các trường hợp bắt giữ khẩn cấp, bắt quả tang hoặc bắt thông thường theo các quyết định của cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp bắt nhầm, bắt oan, giờ đây luật quy định không cho phép công an bắt đối tượng khi chưa chứng minh được hành vi phạm tội hoặc đối tượng chưa bị khởi tố bị can. Vì vậy, có những trường hợp lợi dụng sơ hở này để bỏ trốn.
"Sắp tới, Bộ Công an sẽ có kiến nghị điều chỉnh để có biện pháp phù hợp, bảo đảm quyền tự do dân chủ của người dân nhưng không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Ngoài ra, Bộ Công an sẽ tăng cường các hoạt động nghiệp vụ để quản lý, theo dõi đối tượng ngay từ đầu để hạn chế việc bỏ trốn của những người trước khi bị khởi tố" - Bộ trưởng cho biết.
Giám sát chặt công tác điều tra gian lận điểm thi
Liên quan đến các vụ việc gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho hay cử tri rất quan tâm việc điều tra các vụ gian lận điểm thi này, vì người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết đến thời điểm hiện tại, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La và Công an tỉnh Hà Giang đang điều tra 3 vụ án với 16 bị can liên quan đến gian lận thi cử xảy ra ở kỳ thi THPT quốc gia 2018. Kết quả điều tra cũng đã làm rõ có 214 thí sinh được nâng điểm, trong đó Hòa Bình 63 thí sinh, Hà Giang 107 thí sinh, Sơn La 44 thí sinh.
Giải thích vì sao vụ án tại Hòa Bình giao cho Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an trong khi 2 vụ án còn lại do công an cấp tỉnh thụ lý, Bộ trưởng Tô Lâm nói là do tỉnh Hòa Bình thấy đây là hình thức tội phạm mới nên đề nghị Bộ Công an vào cuộc. Đối với cả 3 vụ án, Bộ Công an luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, giám sát điều tra để bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. "Đến nay, chưa thấy các cơ quan điều tra của địa phương điều tra không khách quan, có dấu hiệu lọt người, lọt tội phạm. Chúng tôi cũng phối hợp với VKSND Tối cao và VKSND địa phương giám sát chặt chẽ vấn đề này" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Ý KIẾN ĐẠI BIỂU
Đại biểu NGUYỄN HỮU CẦU (Nghệ An), Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An:
Bộ trưởng "sẵn sàng nhận lỗi"
Các câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an đều chất lượng, đề cập những vấn đề rất nóng, gai góc, thiết thực đối với đời sống xã hội. Quá trình trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an rất rõ về những thành tích, chiến công của lực lượng công an, của cả hệ thống chính trị. Còn những việc làm chưa tốt thì bộ trưởng cũng sẵn sàng nhận lỗi.
Hiện nay, tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp. Bằng chứng là lực lượng chức năng bắt và phá nhiều đường dây ma túy lớn. Trong khi tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, nếu lực lượng chức năng không bắt được thì hậu quả khôn lường hơn nhiều. Vì thế, phải nhìn nhận tội phạm dưới góc độ tiếp cận ngày càng phức tạp, đồng thời tất cả đều thấy được sự cố gắng vượt bậc của các cơ quan chức năng. Việc triệt phá thành công một vụ án ma túy, bắt được tội phạm đằng sau đó là công sức, mồ hôi, nước mắt của không chỉ một cá nhân mà cả một tập thể lên tới vài ba chục người.
Với các giải pháp Bộ trưởng Tô Lâm nêu ra, chắc chắn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy.
Đại biểu NGUYỄN TIẾN SINH (Hòa Bình):
Người dân sẽ giám sát
Bộ trưởng Tô Lâm đã không né tránh vấn đề được chất vấn, thẳng thắn nhận những hạn chế, yếu kém của ngành mình.
Kỳ họp này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã có nhiều đổi mới. Thời gian để ĐB hỏi ngắn hơn, tập trung đi thẳng vào vấn đề. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời thẳng thắn, trọng tâm. Những giải pháp được bộ trưởng đưa ra sẽ được người dân giám sát nhằm xây dựng lực lượng công an vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
N.Dung ghi
Bình luận (0)