Một ngày sau khi Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố thành lập khu Tây Sa và khu Nam Sa để xác lập đơn vị hành chính cấp huyện đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ngày 19-4, Bộ Dân chính Trung Quốc thực hiện một động thái ngang ngược khi công bố "danh xưng tiêu chuẩn" cho 25 đảo, bãi đá cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở biển Đông, bất chấp phản đối của dư luận quốc tế.
Hoàn toàn bất hợp pháp
Theo luật pháp quốc tế, các điều khoản quy định cụ thể tại Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, việc Trung Quốc đặt tên cho 25 đảo, bãi đá cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp.
Các đảo, bãi đá ngầm, thực thể địa lý này tập trung ở phần phía Tây biển Đông, trong đó một số nằm dọc theo "đường lưỡi bò" phi pháp và rất sát Việt Nam. Chẳng hạn, Nhàn Đàm Hải Đài (Xiantan Haitai) ở vị trí 11 28’.7 N/110 14’E, cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 60 hải lý; Vạn An Hải Để Hạp Cốc Quần (Wan’an Haidixiaguqun) ở vị trí 10 30’N/109 50’E, cách đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) khoảng 50 hải lý; Tiêu Tương Hải Khâu (Xiaoxiang Haiqiu) ở vị trí 9.32’.1 N/109 44’.1E, cách Hòn Hải (tỉnh Bình Thuận) khoảng 45 hải lý.
Động thái này một lần nữa cho thấy Trung Quốc càng ngày càng thể hiện tham vọng độc chiếm biển Đông khi đồng loạt triển khai nhiều hành động cả trên thực địa, pháp lý và hành chính. Trước đó, Trung Quốc đã tìm cách mở rộng quyền kiểm soát biển Đông bằng cách xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc về biển Nam Trung Hoa (biển Đông) Khang Lâm "ngây thơ" nói rằng việc thành lập 2 quận mới thuộc "thành phố Tam Sa" nằm trong kế hoạch từ trước và "Trung Quốc đang chịu áp lực quốc tế xung quanh việc tăng cường sự hiện diện". Ông này lớn giọng: "Các đảo nhân tạo và cơ sở hạ tầng thiết yếu trong khu vực hiện đã đâu vào đấy. Giờ là thời điểm thích hợp để siết chặt kiểm soát hành chính tro ng khu vực".
Cũng theo ông Khang Lâm, chính quyền mới được thành lập sẽ tập trung nhân lực và vật lực cho việc quản lý các đảo. Dự kiến các phòng, ban chuyên về tài chính và quản lý tài nguyên thiên nhiên cũng sẽ được thành lập. "Chính quyền các huyện mới có thể trở thành cơ sở tiền tuyến để giải quyết ngay lập tức mọi vấn đề liên quan đến khu vực này" - ông Khang Lâm ngạo mạn tuyên bố.
Một số chuyên gia nhận định động thái trên báo hiệu Bắc Kinh có thể sẽ xây dựng thêm cơ sở hạ tầng và tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán về Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) vẫn chưa hoàn tất. Một lần nữa, rõ ràng rằng Bắc Kinh đang tìm cách củng cố hơn nữa lợi ích của mình ở biển Đông trước khi DOC được ban hành. Ngay cả khi các nước không đạt được một bộ quy tắc ứng xử nào, Bắc Kinh cũng sẽ tìm kiếm một vị thế mạnh hơn nhiều trên biển Đông.
Người dân Việt Nam sinh sống và gắn bó bao đời nay trên quần đảo Trường SaẢnh: Đào Tùng
4 tiến trình hành động
Các hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam cùng các quốc gia ASEAN khác trong khu vực biển Đông. Vì thế, nếu các quốc gia muốn bảo vệ quyền của mình theo luật pháp quốc tế thì cần thực hiện 4 tiến trình hành động:
Thứ nhất, các nước nên gửi công hàm phản đối song phương khi thấy quyền của họ bị vi phạm. Thứ hai, các nước nên tìm kiếm sự ủng hộ về chính trị và ngoại giao từ các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác ở biển Đông cũng như từ cộng đồng quốc tế. Thứ ba, các nước nên có hành động pháp lý như sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc trong UNCLOS 1982. Thứ tư, các nước cần tăng cường xây dựng năng lực phòng thủ quốc gia.
Cụ thể hơn, các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông nên tiến hành đối thoại với Trung Quốc và giữa các nước này với nhau để thúc đẩy lợi ích chung và ủng hộ lẫn nhau. Ví dụ như Philippines kịp thời lên tiếng ủng hộ Việt Nam sau vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam vào ngày 2-4.
Thêm nữa, các quốc gia ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông nên liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối khi Trung Quốc thực hiện các hành động đơn phương làm tổn hại đến chủ quyền của các quốc gia này.
Đối với Việt Nam, chúng ta nên tiếp tục theo đuổi chiến lược "vừa hợp tác vừa đấu tranh" với Trung Quốc, thúc đẩy thực thi luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
Việt Nam cũng cần vận động các cường quốc hỗ trợ các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở biển Đông trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ ở biển Đông. Các cường quốc hải quân nên được khuyến khích duy trì sự hiện diện liên tục ở biển Đông.
Chúng ta phải kiên trì đấu tranh, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Cũng theo đó, các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông cần hợp sức ứng phó với Trung Quốc. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cần nêu rõ với các thành viên ASEAN rằng Việt Nam sẽ chỉ chấp nhận một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), trong đó xác định rõ khu vực địa lý được COC điều chỉnh, cơ chế giải quyết tranh chấp có tính khả thi, ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các bên và mở cửa cho sự gia nhập các quốc gia ngoài khu vực.
Các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế
Ngày 21-4, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin gần đây liên quan đến tình hình phức tạp ở vùng biển của một số nước ASEAN, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: Là quốc gia ở biển Đông và thành viên ASEAN, Việt Nam quan tâm, theo dõi sát tình hình.
"Việt Nam chân thành mong muốn quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia phù hợp với UNCLOS 1982 được tôn trọng; các bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thể hiện cam kết phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và hòa bình, ổn định, hợp tác ở biển Đông, khu vực và trên thế giới" - bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
D.Ngọc
Bình luận (0)