Phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực năm 2016 đã vô hiệu hóa cơ sở pháp lý của "đường lưỡi bò" ngớ ngẩn của Trung Quốc. Để đối phó với điều này, Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật chiếm trọn biển Đông bằng cách sử dụng cái gọi là "Tứ Sa".
Ngạo mạn hơn "đường lưỡi bò"
Yêu sách "Tứ Sa" của Trung Quốc bao gồm 3 điểm đáng chú ý: Thứ nhất, Trung Quốc có "chủ quyền không thể chối cãi" đối với 4 nhóm đảo, bao gồm Đông Sa (đảo Pratas mà Trung Quốc gọi là quần đảo), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), Nam Sa (quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield, một bãi ngầm hoàn toàn nằm dưới mặt nước ngay cả khi triều xuống thấp nhất).
Thứ hai, các nhóm đảo này là quần đảo và được sử dụng đường cơ sở thẳng để xác định đường cơ sở và vùng nước quần đảo. Thứ ba, các nhóm đảo này có vùng nước quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng.
Yêu sách "Tứ Sa" được Phó Vụ trưởng Vụ Điều ước và Pháp luật, Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Tân Dân đưa ra trong cuộc họp kín với Bộ Ngoại giao Mỹ ở TP Boston vào các ngày 28 và 29-8-2017. Điều này là tiếp nối của việc Trung Quốc công bố Sách trắng "Trung Quốc kiên trì giải quyết tranh chấp liên quan giữa Trung Quốc và Philippines thông qua đàm phán" vào tháng 7-2016. Trong sách này, Trung Quốc tự xác lập chủ quyền theo 4 điểm sau: 1) Trung Quốc có chủ quyền đối với các chư đảo ở "Nam Hải" là quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa; 2) Các chư đảo ở "Nam Hải" của Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải; 3) Các chư đảo ở "Nam Hải" của Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; 4) Trung Quốc có quyền lịch sử tại "Nam Hải".
Một số nhà nghiên cứu quốc tế và trong nước cho rằng yêu sách này đã giúp Trung Quốc ngạo mạn tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với vùng biển còn rộng hơn vùng biển nằm trong khu vực "đường lưỡi bò"...
Yêu sách "Tứ Sa" cũng là cơ sở để người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó là Cảnh Sảng tuyên bố: "Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và các vùng nước lân cận, cũng như có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan. Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982 (UNCLOS)".
Đánh lận con đen
Chúng ta hãy xem xét yêu sách "Tứ Sa" của Trung Quốc trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS của Liên Hiệp Quốc.
Điều 46 - UNCLOS quy định rõ một "quốc gia quần đảo" là một quốc gia được tạo thành toàn bộ bởi một hay nhiều hơn một quần đảo và có thể bao gồm các đảo khác. Còn điều 47 - UNCLOS quy định một "quốc gia quần đảo" có thể sử dụng đường cơ sở thẳng để nối các điểm phía ngoài của các đảo ngoài cùng và các rạn san hô nổi (thực thể địa lý) của một quần đảo với một số điều kiện nổi bật, như: tỉ lệ giữa diện tích mặt nước và diện tích mặt đất nằm bên trong đường cơ sở thẳng quần đảo không nhỏ hơn tỉ lệ 1/9; chiều dài mỗi đoạn thẳng không qua 100 hải lý; các đường thẳng không được nối các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp có đèn biển hoặc một công trình luôn nổi lên khỏi mặt nước lúc triều lên…
Một điểm nữa là về quy chế đảo, khoản 3, điều 121 của UNCLOS nêu rõ: "Các đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống hoặc đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa".
Những quy định này khẳng định Trung Quốc không phải là một quốc gia "được tạo thành toàn bộ bởi một hay nhiều hơn một quần đảo". Do không phải là một quốc gia quần đảo, việc vạch đường cơ sở thẳng quần đảo để nối các đảo ở bên ngoài các thực thể địa lý như nêu trên là hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS.
Cũng theo quy định của UNCLOS, một khu vực bãi cạn lúc nổi lúc chìm hoặc bãi ngầm như bãi ngầm Macclesfield (Trung Sa) không phải là đối tượng để tuyên bố chủ quyền. Bãi ngầm này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1935, khi Trung Hoa Dân Quốc xuất bản "Biểu đối chiếu tên gọi Hoa - Anh các đảo thuộc Nam Hải Trung Quốc" và đặt tên khu vực bãi ngầm này là "quần đảo Nam Sa". Theo học giả Bill Hayton của Học viện Chatham (Anh), vì không có kiến thức về các bãi ngầm trên biển Đông nên khi chuyển ngữ tên gọi một loạt các đá ngầm từ tiếng Anh sang tiếng Hoa, Trung Quốc đã dịch một cách máy móc các từ "bank" hoặc "shoal" thành "đảo" hoặc "bãi cát". Chính sai lầm ngớ ngẩn này đã khiến Trung Quốc đặt tên cho một khu vực với các thực thể chìm hoàn toàn dưới nước tại khu vực bãi ngầm Macclesfield thành "quần đảo Nam Sa". Năm 1947, Trung Hoa Dân Quốc đã đổi tên "quần đảo Nam Sa" thành "quần đảo Trung Sa" để lấy tên "quần đảo Nam Sa" đặt cho quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Với quy định trên, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với cái gọi là "quần đảo Trung Sa", hay nói cách khác là một vùng đá ngầm cách rất xa bờ biển Trung Quốc, là hoàn toàn trái với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Tàu hải cảnh Trung Quốc ngang nhiên đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam vào ngày 2-4. (Ảnh tư liệu và do ngư dân cung cấp)
Mưu toan viết lại UNCLOS
Một khái niệm cũng cần làm rõ trong UNCLOS là khái niệm "phù hợp cho con người sinh sống hoặc đời sống kinh tế riêng". Phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực năm 2016 đã giải thích rõ khái niệm này. Theo đó, một thực thể "phù hợp cho con người sinh sống" là một thực thể mà ở trạng thái tự nhiên của nó, trên đó có một hoặc nhiều hơn một cộng đồng người sinh sống ổn định và coi đó là nhà. Còn "đời sống kinh tế riêng" có nghĩa là cuộc sống và sinh kế của những người dân trên thực thể dựa vào các điều kiện tự nhiên của thực thể. Các hoạt động khai thác tài nguyên trên thực thể để làm lợi cho những người sống ngoài thực thể không phải là hoạt động thuộc "đời sống kinh tế riêng".
Với các diễn giải như vậy, có thể thấy "Sa" cuối cùng trong "Tứ Sa" là "quần đảo Đông Sa (còn gọi là quần đảo Pratas, đang do Đài Loan kiểm soát) cũng bị Trung Quốc tuyên bố sai về chủ quyền.
Thực chất cái gọi là "quần đảo" này là tập hợp các bãi san hô chỉ nhô lên khỏi mặt nước khi triều xuống, ngoại trừ một đảo san hô nhô lên khỏi mặt nước khi triều cao. Hiện nay, Đài Loan đã xây dựng một đường băng dài 1.500 m trên đảo nhưng trước đây trên đảo này chưa từng bao giờ có người sinh sống. Như vậy, đảo san hô này cũng không thể được coi là "quần đảo" mà chỉ là một đảo đá, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Bằng cách sử dụng chiến thuật yêu sách "Tứ Sa", Trung Quốc mưu toan lợi dụng các thuật ngữ của UNCLOS nhằm viết lại UNCLOS. Kết hợp với chiến thuật dùng sức mạnh quân sự để bắt nạt, dùng sức mạnh kinh tế để mua chuộc các nước xung quanh biển Đông cũng như ngoài khu vực biển Đông, Trung Quốc muốn biến các lập luận phi lý của mình thành hiện thực để độc chiếm biển Đông.
Lưu hành công hàm tại LHQ thể hiện lập trường về biển Đông
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 9-4, trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có tiến hành các thủ tục khởi kiện Trung Quốc sau khi Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ ngày 30-3 đã gửi công hàm phản đối 2 công hàm của Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng việc lưu hành công hàm tại LHQ là việc làm bình thường, thể hiện lập trường và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Lập trường nhất quán của Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ tại công hàm này. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với các vùng biển được xác định trong UNCLOS.
Bình luận về việc truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này sắp đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực. Việt Nam mong muốn các nước tăng cường hợp tác, đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định vì mục tiêu nói trên.
D.Ngọc
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-4
Bình luận (0)