xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Kinh doanh xăng dầu: Cần hài hòa lợi ích

MINH CHIẾN

Cần có giải pháp kịp thời để "trợ lực" cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, bảo đảm cung ứng nhiên liệu cho người dân

Sau kỳ điều hành ngày 3-10, giá xăng dầu trong nước tiếp tục giảm mạnh, đưa xăng E5RON92 về mức 20.732 đồng/lít, xăng RON95 có giá bán không cao hơn 21.443 đồng/lít. Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tiếp hạ, chiết khấu bằng 0, tại một số địa phương khu vực phía Nam tái diễn tình trạng cây xăng ngưng bán, thông báo hết hàng vì "càng bán càng lỗ".

Chiết khấu thấp, doanh nghiệp "có thể phá sản"

Tại khu vực phía Bắc, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 4-10, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng - hoạt động ở địa bàn tỉnh Yên Bái, cho biết trong 1-2 tuần qua, chiết khấu xăng dầu chỉ ở mức 200 - 300 đồng/lít, tùy loại.

Theo bà Sinh, với mức chiết khấu này tại tổng kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội), doanh nghiệp (DN) bán lẻ thu không đủ bù chi phí vận chuyển, duy trì hoạt động cửa hàng... nên "càng bán càng lỗ". Đối với những DN ở địa bàn xa như công ty của bà Sinh, các chi phí càng tăng, phải bù lỗ trên 1.000 đồng/lít xăng. Thực trạng này kéo dài khiến DN bán lẻ khó duy trì hoạt động.

Trong khi đó, việc đóng cửa ngừng bán hàng, theo DN bán lẻ, là "không thể" vì sẽ bị xử phạt theo quy định. Bà Lê Thị Nhã, đại diện DN tư nhân Văn Phúc (Hà Nội), cho biết có thời điểm một số cây xăng trong khu vực bán cầm chừng khiến khách hàng đổ dồn về cây xăng của DN này, gây thiếu hụt nguồn cung.

Về vấn đề chiết khấu thấp, thậm chí 0 đồng/lít, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng do DN đầu mối kinh doanh xăng dầu thua lỗ khi đã nhập hàng khối lượng lớn với giá cao trước đó nhưng sang quý III/2022 và thời gian gần đây giá lại giảm sâu.

Theo ông Hải, chiết khấu là khoản thỏa thuận, nhà nước không quy định mức này. Khi nguồn cung dồi dào, giá thế giới có xu hướng giảm thì DN đầu mối, thương nhân phân phối tăng chiết khấu cho cửa hàng, đại lý bán lẻ để đẩy mạnh lượng hàng bán ra. Ngược lại, khi giá thế giới tăng, DN đầu mối sẽ giảm mức chiết khấu này.

Bên cạnh đó, chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được Bộ Tài chính điều chỉnh kịp thời trong giá cơ sở. Vì vậy, để duy trì kinh doanh, tránh thua lỗ thêm, DN đầu mối buộc phải cắt giảm chi phí, trong đó có chiết khấu cho các đơn vị bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Sinh cho rằng không thể để tình trạng này kéo dài, vì nếu cứ liên tục bù lỗ thì DN bán lẻ sẽ phá sản. Bà Sinh kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp kịp thời để ổn định thị trường xăng dầu trong nước, "trợ lực" cho DN bán lẻ, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho người dân.

"Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần tính toán mức chi phí mà DN bán lẻ phải bỏ ra khi đưa 1 lít xăng dầu từ kho của DN đầu mối về tới cửa hàng và khi bán đến tận tay người tiêu dùng để quy định cụ thể mức chiết khấu, bảo đảm quyền lợi cho DN" - bà Sinh bày tỏ.

Kinh doanh xăng dầu: Cần hài hòa lợi ích - Ảnh 1.

Khan hiếm nguồn cung, một cửa hàng xăng dầu ở miền Tây phải mua lẻ xăng về bán cho mỗi khách... 1 lít Ảnh: Vĩnh Kỳ

Kiến nghị tính toán lại các chi phí

Trong báo cáo mới nhất về công tác quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết thời gian qua, do DN giảm mức chiết khấu trong hệ thống phân phối nên giá xăng dầu trong nước không phản ánh đúng chi phí kinh doanh xăng dầu, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của DN, nhất là ở khâu bán lẻ. Do đó, trên thị trường đã có hiện tượng nhiều DN thu hẹp hoạt động kinh doanh, bán cầm chừng và thiếu nguồn cung cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ.

Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Tài chính sớm rà soát, gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và khoản chênh lệch so với giá thế giới phù hợp thực tế phát sinh thời gian qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định. Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thẩm quyền tính toán, điều chỉnh các chi phí này thuộc về Bộ Tài chính.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết hiện Bộ Tài chính mới điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo thực tế. Còn chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng chưa được rà soát, điều chỉnh. "Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ phối hợp xem xét và điều chỉnh hợp lý các chi phí này" - ông Hải nói.

Về việc bảo đảm nguồn cung, Bộ Công Thương cho biết hiện các nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn đang vận hành ở công suất tối đa. Thậm chí, Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong các tháng cuối năm 2022 để đáp ứng cho thị trường. Bộ Công Thương sẽ tham chiếu khả năng cung cấp xăng dầu của các DN đầu mối kinh doanh trong nước, khả năng sản xuất của 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bình Sơn để phân bổ hạn mức nhập khẩu tăng thêm trong vào quý IV/2022 trong trường hợp cần thiết.

Nhấn mạnh những biến động của thị trường xăng dầu thời gian qua thì "không DN nào chịu nổi", ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng xăng dầu là mặt hàng chịu quản lý của nhà nước, do đó cần bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, DN và người dân. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết đã kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền rà soát, xem xét, tính toán lại các chi phí để bảo đảm lưu thông mặt hàng này, ngay cả DN bán lẻ cũng phải được hưởng tối thiểu mức chiết khấu nào đó phù hợp. 

Doanh nghiệp không nhập được hàng

Dù Bộ Công Thương khẳng định "đủ nguồn cung" nhưng ngày 4-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu khí Sơn Hải (hoạt động ở phía Bắc), cho biết DN này đang rất "bí" khi không nhập được hàng. Xe của DN đi Hải Phòng từ hôm 3-10 nhưng vẫn chưa về vì không có hàng.

Ông Hạnh kiến nghị liên bộ Tài chính - Công Thương cần sớm rà soát, tính toán để điều chỉnh, bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí cho các đầu mối nhập khẩu. Theo ông, những bất cập về chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu đã được DN phản ánh từ lâu nhưng sự điều chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước đang chậm trễ, gây khó khăn cho DN.

ĐBSCL: Nhiều cửa hàng đóng cửa, "hết xăng"

Vài tháng qua, tại các tỉnh An Giang và Đồng Tháp, hơn 40 cửa hàng xăng dầu đã xin tạm ngưng kinh doanh. Con số này có thể còn gia tăng nếu chi phí kinh doanh trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu chưa được điều chỉnh.

Theo ghi nhận ngày 4-10, nhiều cửa hàng xăng dầu tại 2 xã Nhơn Hội và Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang đã đóng cửa, treo bảng "hết xăng". Có cửa hàng không đóng cửa nhưng cử nhân viên thông báo đến khách "hết xăng". Ông Nguyễn Hoàng Bảo - cửa hàng xăng dầu Đ.P.A.P, xã Nhơn Hội - phân trần: "Cửa hàng đã hết xăng 2 ngày nay, đang đợi xe bồn đưa đến. Chúng tôi cố gắng mua xăng lẻ từ nơi khác, chiết lẻ để bán cho khách. Từ đầu năm đến nay, hầu như tháng nào chúng tôi cũng chịu lỗ vì giá chiết khấu quá thấp. Chúng tôi không biết có thể cầm cự kinh doanh đến khi nào".

Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết toàn tỉnh có 576 cơ sở kinh doanh xăng dầu. Trong tháng 9-2022, 9 doanh nghiệp được chấp thuận tạm dừng kinh doanh, với lý do thua lỗ, hoa hồng thấp, hết vốn.

Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cũng đã nhận được 24 đơn xin tạm ngưng hoạt động của nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Đoàn kiểm tra liên ngành Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang vừa kiểm tra đột xuất 35 cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở 6 huyện, thị, thành phố trong tỉnh; phát hiện 4 cửa hàng treo bảng hết xăng dầu. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã đo các bồn chứa và nhắc nhở chủ các cửa hàng sớm liên hệ với thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối để nhanh chóng cung ứng hàng hóa.

Sở Công Thương TP Cần Thơ cũng vừa phối hợp cùng Cục Quản lý thị trường làm việc với lãnh đạo UBND huyện Cờ Ðỏ và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để ghi nhận thông tin về việc bảo đảm nguồn cung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng người dân và hoạt động sản xuất. Tại buổi làm việc, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết đã gửi công văn đến các thương nhân đầu mối, đề nghị bảo đảm nguồn cung và xử lý nghiêm nếu các đơn vị để "đứt gãy" nguồn cung với lý do không phù hợp. Sở sẽ có văn bản tham mưu cho UBND TP Cần Thơ và Bộ Công Thương để tìm hướng giải quyết ổn định nguồn cung xăng dầu.

Trong khi đó, Công ty CP Dầu khí Nam Sông Hậu vừa có văn bản gửi Sở Công Thương TP Cần Thơ về việc xây dựng phương án cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất trên địa bàn huyện Cờ Đỏ. Theo đó, giá xăng dầu thế giới lên xuống thất thường đã làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước, dẫn đến một số ít đầu mối, thương nhân phân phối khu vực huyện Cờ Đỏ và vùng lân cận hạn chế nguồn cung. Công ty đã chủ động cung ứng cho hệ thống đại lý, nhượng quyền bán lẻ để phục vụ sản xuất...

Vĩnh Kỳ - Tâm Quân - Quang Trường

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo