Trong bối cảnh thế giới của kỷ nguyên số và internet hiện nay, muốn phát triển kinh tế hay thịnh vượng DN thì phải mở rộng địa bàn, từ liên kết trong ngành, trong nước đến hội nhập quốc tế. Muốn mở rộng địa bàn thì phải tiến hành chuyển đổi số (cách gọi truyền thống là số hóa) DN hay nền kinh tế và mọi hoạt động của nó. Bao trùm lên tất cả các tiến trình đó là phải tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghệ 4.0).
Theo từ điển bách khoa Wikipedia, kinh tế số (digital economy) là nền kinh tế vận hành dựa trên các công nghệ điện toán kỹ thuật số nhưng phổ biến nhất là với ý nghĩa tiến hành hoạt động kinh doanh thông qua các thị trường dựa trên internet và web. Hiện nay, nền kinh tế số toàn cầu trị giá khoảng 3.000 tỉ USD.
Có một thực tế là hiện vẫn còn những người hiểu kinh tế số và chuyển đổi số chỉ liên quan tới các DN công nghệ, trong khi thực chất đó là nền tảng vận hành chung của các DN thuộc bất cứ ngành nghề gì. Cho tới thời điểm này, Việt Nam - ngay từ thượng tầng lãnh đạo - đều xác định được tầm quan trọng của việc đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phải phát triển kinh tế trên nền tảng kinh tế số. Vấn đề còn lại, và sống còn, vẫn là triển khai như thế nào.
Muốn xây dựng và phát triển kinh tế số thì điều kiện tiên quyết cũng là cần và đủ là tiến hành chuyển đổi số để số hóa mọi lĩnh vực hoạt động của từng DN, từng ngành cho tới toàn nền kinh tế quốc gia. Mặc dù các đơn vị cơ sở phải chủ động thực hiện vì lợi ích của chính bản thân mình nhưng với quy mô của nền kinh tế số quốc gia, không thể thiếu vai trò chủ đạo của nhà nước. Nhà nước cần rà soát lại mọi chủ trương, chính sách và quy định pháp lý để bảo đảm cho tiến trình chuyển đổi số được thông thoáng, suôn sẻ. Đồng thời, nhà nước cũng phải gấp rút xây dựng bộ khung chuyển đổi số quốc gia để các ngành, các địa phương và cơ sở dựa vào đó mà vận dụng tiến hành vừa phù hợp với từng cơ sở vừa có tính liên thông và thống nhất lên tới tận quy mô quốc gia.
Trong thời gian gần đây đã bộc lộ những sự bất cập, dẫn tới cản trở tiến trình chung do vẫn có những địa phương, những ngành chưa đồng bộ hóa được nền tảng chuyển đổi số, trong lúc đồng bộ hóa cả nền tảng hệ sinh thái là yêu cầu cốt tử của nền kinh tế số.
Kinh tế số là một xu thế của thời đại toàn cầu. Nó là một cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới hiện nay. Chúng ta không còn có sự lựa chọn nào khác để phát triển là phải tham gia vào cuộc chơi toàn cầu này. Càng chuẩn bị kỹ lưỡng và càng chủ động thì tỉ lệ thành công càng cao hơn.
Bình luận (0)