Ngày 14-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì Hội nghị lần thứ 9 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Triển khai 11 chiến lược
Trình bày dự thảo báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách 9 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho biết tình hình kinh tế của thành phố dần được cải thiện, số doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh mở cửa trở lại có xu hướng tăng nhanh.
Cũng theo ông Lê Hòa Bình, chính quyền các cấp của thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch khôi phục kinh tế phù hợp tình hình kiểm soát dịch tại địa phương. Ngành du lịch thành phố cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động trong điều kiện thích ứng an toàn với tình hình dịch Covid-19, trong đó ưu tiên các địa phương đã kiểm soát được dịch.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm, thành phố sẽ triển khai 11 chiến lược phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trong giai đoạn mới. Tập trung triển khai nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 18 của UBND TP về tăng cường kiểm soát, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố "mở cửa" từng bước thận trọng, chắc chắn, theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Bám sát thực tiễn để xem xét áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp.
TP HCM phối hợp chặt chẽ với các địa phương bảo đảm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, vận tải hành khách, vận chuyển lao động, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh, người có nhu cầu về quê, lưu thông giữa các địa phương,… từng bước đưa sinh hoạt của người dân sang trạng thái bình thường mới.
Ngoài ra, thành phố sẽ triển khai các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi hoạt động; tiếp tục triển khai hỗ trợ đợt 3 cho đối tượng là người có hoàn cảnh thật sự khó khăn…
Thích ứng an toàn trong giai đoạn mới
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các địa phương, ban ngành của thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, công tác phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì thế, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; kiên trì, chủ động, nhất quán với phương châm: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả trong giai đoạn "bình thường mới". Tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá tổng thể kết quả và những tồn tại, hạn chế về công tác phòng chống dịch làn sóng lây nhiễm lần thứ 4. Khẩn trương ban hành và triển khai hiệu quả chiến lược y tế - trụ cột của công tác phòng chống dịch.
Về chiến lược, kế hoạch phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Văn Nên cho biết thành phố quyết tâm, quyết liệt để thực hiện các giải pháp cần thiết nhằm "mở cửa" phục hồi kinh tế, biến "nguy thành cơ", quyết tâm phục hồi mạnh mẽ sau khó khăn. Chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với từng giai đoạn, diễn biến của dịch bệnh. Khẩn trương ban hành và triển khai chiến lược kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp để tái cấu trúc một số ngành, lĩnh vực quan trọng để thích ứng với trạng thái "bình thường mới".
Tập trung phân tích, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng của thành phố; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách. Tiếp tục đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Khẩn trương đề xuất và triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, nhất là về tiếp cận nguồn vốn, nguồn lao động...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh công tác phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu Ảnh: Trường Hoàng
Tổ chức đợt hoạt động "TP HCM tri ân" từ nay đến Tết nguyên đán 2022 đối với cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng tuyến đầu; lực lượng vũ trang, cán bộ cơ sở, tình nguyện viên… Duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Bảo trợ xã hội của thành phố và Trung tâm An sinh TP, quận, huyện, TP Thủ Đức.
Tập trung tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đề nghị hỗ trợ người dân khó khăn. Tập trung thực hiện gói an sinh đợt 3 bảo đảm theo quy định; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp có sai phạm. Tiếp tục vận động người dân yên tâm ở lại thành phố và tổ chức đưa người dân có nhu cầu về quê bảo đảm chu đáo, an toàn. Tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, hợp tác công tư để phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân để giãn dân và cải thiện môi trường sống… Củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Làm tốt công tác dân vận, tập hợp, huy động sức mạnh nhân dân.
Ưu tiên các dự án an sinh xã hội
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng trình bày báo cáo tóm tắt tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP HCM. Theo đó, phương án bố trí nguồn vốn từ nguồn ngân sách TP HCM có thể huy động khoảng 119.410 tỉ đồng. Đối với nguồn thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP HCM sẽ bố trí đầu tư cho 2 dự án khép kín vành đai 2 TP HCM.
Đối với số vốn bổ sung từ các nguồn vốn huy động khác sẽ ưu tiên xem xét bố trí cho các dự án: Các dự án còn lại thuộc danh mục các dự án thực hiện 51 chương trình, đề án thành phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần XI về 4 chương trình phát triển TP HCM (có 203 dự án, dự kiến vốn cần đầu tư là 122.512 tỉ đồng); các dự án theo đề xuất của UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức; ngoài ra bố trí vốn đầu tư cho các dự án phục vụ cho hoạt động an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội theo thứ tự ưu tiên trong từng lĩnh vực cụ thể…
Bà Phan Thị Thắng cho hay dự kiến giai đoạn 2021-2025, TP HCM sẽ kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư các dự án trọng điểm như: Cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, đường trên cao - tuyến số 1, xây dựng cụm cảng trung chuyển ICD.
Hướng dẫn cụ thể về thích ứng an toàn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 14-10 đã làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan về phương án khởi động lại các hoạt động du lịch trong tương lai. Hai vấn đề được thảo luận rất kỹ tại cuộc họp là từng bước mở lại hoạt động du lịch trong nước và thí điểm đón khách du lịch quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các phương án từng bước mở lại các hoạt động du lịch phải theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Rủi ro dịch bệnh của ngành du lịch là tần suất người di chuyển rất cao, phạm vi rộng, vì vậy, Bộ VH-TT-DL phải ban hành ngay hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch.
Hướng dẫn phải cụ thể, chi tiết về phương thức vận tải; điều kiện hoạt động trong các khu tham quan, cơ sở lưu trú, dịch vụ; phương thức xét nghiệm; hợp đồng với các cơ sở y tế để giám sát, xử lý ngay khi phát hiện ca nhiễm nhanh nhất, gọn nhất… Các hiệp hội du lịch cần có quy định đồng bộ với hướng dẫn, khuyến khích DN thành viên thực hiện để hoạt động trở lại từng bước chắc chắn, an toàn.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT khẩn trương rà soát, cập nhật, sớm ban hành hướng dẫn đối với các hoạt động vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không. Cần quy định rõ, chi tiết đối với du khách theo tour du lịch lữ hành khác với xe vận tải hành khách thông thường khi bảo đảm an toàn về du khách, điểm xuất phát, điểm dừng, điểm đến. Tất cả các hoạt động du lịch từ đi lại, lưu trú, dịch vụ, ăn uống… phải tuân thủ đúng 5K.
Về thí điểm đón khách quốc tế, Phó Thủ tướng giao Bộ VH-TT-DL, các hiệp hội du lịch khẩn trương làm việc với các địa phương, bộ, ngành để có kiến nghị rất cụ thể về điểm đến, thời điểm, quy mô, quy trình thủ tục, đi lại, lưu trú, phương án xử lý khi có ca nhiễm…, báo cáo với Thủ tướng khi có vướng mắc cần tháo gỡ.
Y.Anh
Bình luận (0)