Ngày 2-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ thứ 2. Các thành viên Chính phủ đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng về thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, đồng thời nhanh chóng triển khai tiêm vắc-xin Covid-19.
Nhanh chóng tiêm vắc-xin cho người dân
Nhấn mạnh đợt bùng phát dịch lần thứ 3 tác động tới vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến thời điểm hiện tại, cơ bản dịch đã được kiểm soát; ngoại trừ huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) còn xuất hiện một số ca nhiễm mới. Thủ tướng chỉ đạo sớm khoanh vùng dịch tại địa phương này với tinh thần "thần tốc, truy vết, xét nghiệm diện rộng, triển khai các biện pháp cấp bách".
Đối với Nghị quyết 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc-xin Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế ngay trong tuần này triển khai tiêm vắc-xin cho các đối tượng mà nghị quyết đã quy định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 Ảnh: QUANG HIẾU
Về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiếp tục điều hành quyết liệt, sáng tạo, kịp thời và đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, tín dụng tỉ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, đạt 2 con số, xuất siêu 1,3 tỉ USD. Báo cáo thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng dự báo dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong ít nhất nửa đầu năm 2021 và cho đến khi việc tiêm chủng vắc-xin được phổ biến rộng. Do vậy, cần duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. "Các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát tình hình, phân tích, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch bệnh, đặc biệt đối với các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải..." - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, Bộ KH-ĐT đề nghị đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu; tận dụng cơ hội để thúc đẩy cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường; nghiên cứu những thay đổi chính sách thương mại của các đối tác lớn và có tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Sớm có gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 2
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại, các chỉ tiêu vĩ mô của năm 2020 đều tốt hơn con số đã báo cáo trước Quốc hội, nhất là nợ công, thu chi ngân sách, dự trữ và các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt thắng lợi về thực hiện mục tiêu kép.
Theo Thủ tướng, Chính phủ khóa này sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thực hiện chuyển giao nhiệm vụ cho Chính phủ khóa mới. Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định tại nhiệm kỳ này, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời mà tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, "làm đến phút cuối cùng". Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; thực hiện mục tiêu kép. Đồng thời quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung giải quyết những việc đang tồn tại trong phạm vi trách nhiệm của mình để chuyển giao nhiệm kỳ được tốt nhất, bảo đảm tính liên tục.
Chia sẻ với những khó khăn do dịch Covid-19 mà các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ đang đối mặt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có giải pháp hỗ trợ, khắc phục tình trạng này; các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết của Chính phủ đã báo cáo.
Thủ tướng lưu ý chú trọng phát huy thế mạnh các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là TP Hà Nội, TP HCM, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ và các tỉnh trọng điểm khác ở miền Đông Nam Bộ. Bên cạnh phát huy vai trò các tập đoàn kinh tế nhà nước, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo nền tảng phát triển lâu dài.
Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư, Thủ tướng cho rằng thời cơ đối với Việt Nam là rất lớn, xu hướng dòng vốn đổ vào nước ta rất rõ ràng, do đó cần có môi trường đầu tư tốt, thu hút có sàng lọc nguồn vốn FDI có chất lượng. Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm tổ chức đôn đốc kiểm tra giải ngân đầu tư công cũng như vốn ODA.
Về gói hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 lần thứ 2, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết bộ đang phối hợp với các bộ: Công Thương, Tài chính, Lao động - Thương binh - Xã hội và Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục nghiên cứu giải pháp, sớm đề xuất Chính phủ và khẳng định việc hỗ trợ là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn phức tạp.
Có vắc-xin đến đâu sẽ tổ chức tiêm đến đó
Liên quan đến lộ trình tiêm vắc-xin Covid-19, tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Hải Dương có dịch nên sẽ là một trong những tỉnh được ưu tiên tiêm theo các đối tượng quy định tại Nghị quyết 21 của Chính phủ. Theo ông Cường, lô vắc-xin đầu tiên về Việt Nam đã được kiểm định xong, song vẫn cần thêm một phiếu kiểm định nữa, đầu tuần sau sẽ có kết quả. Cuối tháng 4 sẽ nhập thêm khoảng 1 triệu liều và kế hoạch nhập vắc-xin vẫn đang được triển khai. Đại diện Bộ Y tế khẳng định có vắc-xin đến đâu sẽ tiêm đến đó.
Yêu cầu báo cáo việc bổ nhiệm phó giám đốc sở 31 tuổi
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết đã yêu cầu Vụ Cán bộ công chức báo cáo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và có văn bản đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc có báo cáo về việc bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang, 31 tuổi - con gái của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, làm Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh này. Theo ông Thăng, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch về công tác nhân sự, dự kiến bổ nhiệm tập trung 15 trường hợp, trong đó có 6 nữ, cán bộ trẻ dưới 40 tuổi có 8 người. Vì vậy, trường hợp bà Trang không phải là cá biệt mà nằm trong tổng thể.
Bình luận (0)