Ngày 9-7, HĐND TP HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 đã khai mạc kỳ họp thứ 20. Kỳ họp diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 9 đến 11-7. Trong ngày đầu làm việc, UBND TP đã trình 14 tờ trình. Trong đó, đáng chú ý là tờ trình về dự thảo quy định số lượng, chức danh và một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP.
Dôi dư gần 2.300 cán bộ không chuyên trách
Theo nội dung tờ trình trên, đến tháng 12-2019, số lượng người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP là 6.787 người. Với đề án sắp xếp theo Nghị định số 34/2019 của Chính phủ thì TP sẽ dôi dư 2.299 người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn.
Báo cáo thẩm tra tờ trình này, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Phạm Quỳnh Anh cho biết Ban Pháp chế cơ bản đồng tình. Theo đại biểu (ĐB) Huỳnh Đặng Hà Tuyên (quận Bình Tân), nhu cầu về cán bộ để giải quyết các vấn đề an sinh, xã hội trên địa bàn TP là rất lớn. Riêng phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân có đến hơn 126.000 dân, trong khi chỉ có 65 cán bộ công chức và cán bộ không chuyên trách cho thấy áp lực với mỗi cán bộ là rất lớn. Nếu theo Nghị định 34 thì số cán bộ của phường phải giảm gần phân nửa, còn 37 người. "Chúng ta phải giải quyết việc làm đối với số lượng cán bộ dôi dư. Trong khi đó, với số cán bộ còn lại thì khó đảm đương công việc" - ĐB Huỳnh Đặng Hà Tuyên trăn trở. Do đó, bà đề nghị UBND TP xem xét, giao cho UBND quận, huyện xây dựng lộ trình thực hiện để địa phương chủ động, có thời gian bố trí sắp xếp cho phù hợp thực tế mỗi quận, huyện.
Đại biểu HĐND TP HCM tham dự kỳ họp thứ 20 HĐND TP khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 Ảnh: LÊ VĨNH
Đồng tình, ĐB Thi Thị Tuyết Nhung (quận 7) cho biết cán bộ không chuyên trách làm việc rất nhiều, dù có thu nhập tăng thêm nhưng vẫn còn rất khó khăn. Theo ĐB Thi Thị Tuyết Nhung, phải có phương án giải quyết như thế nào, lộ trình ra sao, chứ không phải cứ bù đắp một khoản tiền nhất định cho họ mà làm đột ngột.
Ủng hộ không tổ chức HĐND quận, phường
Tại phiên thảo luận tổ, góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, ĐB Lê Minh Đức, Phó Ban Pháp chế HĐND TP, cho rằng cần đưa vào văn kiện của Đảng bộ TP giải pháp cụ thể đối với việc xây dựng chính quyền. TP cần tập trung các giải pháp xây dựng, tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các cấp chính quyền TP gắn với thực hiện tinh giản biên chế, thí điểm một số mô hình tổ chức phù hợp với thực tiễn và đặc thù của TP. Cụ thể, TP cần sớm đề xuất trung ương cho TP thực hiện đề án không tổ chức HĐND quận, phường trong thời gian tới.
Theo ĐB Lê Minh Đức, khi không tổ chức HĐND quận, phường thì tính chủ động trong chính quyền được nâng lên một bước, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính được chú trọng, quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực có hiệu lực, hiệu quả. ĐB Lê Minh Đức phân tích thực tế HĐND quận, phường chưa thực sự phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND và UBND các cấp hiện nay còn bộc lộ một số bất hợp lý, đang tồn tại nhiều cấp, nhiều tầng nấc trung gian, chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính nhà nước.
Dẫn kinh nghiệm trước đây TP đã thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trên địa bàn TP, ĐB Lê Minh Đức cho biết UBND các quận, huyện, phường không có HĐND hoạt động ổn định, quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy. "Hiệu quả thể hiện rõ nhất là việc giảm biên chế và bộ máy trung gian, giảm chi phí hành chính. Các cấp lãnh đạo, quản lý tại địa phương, TP vẫn thường xuyên trực tiếp đối thoại với nhân dân, lắng nghe những tâm tư, kiến nghị cũng như kịp thời xử lý các vấn đề bức xúc trong nhân dân" - ĐB Lê Minh Đức nói.
Cùng quan tâm vấn đề này, ĐB Trương Thị Ánh, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP, cho rằng cần đánh giá việc khi tái lập HĐND quận, huyện, phường theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiệu quả hay không, mặc dù trước đó TP đã thí điểm bỏ được 7 năm và đạt nhiều hiệu quả tích cực. Liên quan đến việc này, mới đây Sở Nội vụ TP cũng đã có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về dự thảo văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP xây dựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường.
Chốt tiến độ bồi thường cho người dân Thủ Thiêm khu 4,3 ha
Thông tin tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết bên cạnh những khó khăn và thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng TP vẫn có nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội đáng ghi nhận. Trong những tháng cuối năm, ông Lê Thanh Liêm cho biết TP sẽ tập trung hoàn thành các đề án: điều chỉnh tỉ lệ phần trăm phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cũng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 40 ngày 6-10-2019 của HĐND TP về chủ trương xây dựng chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất khoảng 4,3 ha thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2. Theo đó, trong tháng 7-2020, UBND quận 2 sẽ hoàn thành việc tiếp xúc, vận động đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất; xử lý, hoàn tất hồ sơ và ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất trong tháng 8-2020. Đến tháng 9-2020, TP sẽ tổ chức bàn giao nền đất, căn hộ chung cư và chi trả bổ sung bằng tiền cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất.
Nhiều nơi bức xúc với karaoke loa kéo
Tại kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Tô Thị Bích Châu cho biết đơn vị đã tiếp nhận nhiều ý kiến bức xúc của cử tri về hoạt động karaoke loa kéo, ca nhạc trong các buổi liên hoan, tiệc tùng ở các khu dân cư với dàn âm thanh công suất lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, UBND các phường, xã, thị trấn và cơ quan chức năng thiếu kiên quyết trong việc xử lý những trường hợp hát karaoke với tiếng ồn quá lớn nên nhiều hộ dân đã bị "tra tấn". "Việc này khiến xảy ra bất hòa, thậm chí xảy ra án mạng" - bà Tô Thị Bích Châu nói và dẫn chứng vào tháng 4-2020, ở khu nhà trọ tại huyện Bình Chánh đã có một người chết do nhắc nhở hàng xóm hát karaoke với tiếng ồn lớn.
Với chiếc loa kéo, ngồi đâu cũng có thể hát được, bất chấp việc làm phiền người xung quanh Ảnh: NGUYỄN PHAN
Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP cho rằng hiện karaoke di động không còn là loại hình giải trí đơn thuần mà đã và đang trở thành vấn đề nan giải, gây bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân. Do đó, Ủy ban MTTQ TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các cấp thường xuyên kiểm tra và kiên quyết xử lý triệt để vấn nạn hát karaoke gây tiếng ồn trong khu dân cư theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Đồng thời, đưa nội dung cam kết không hát karaoke bằng loa kéo gây ồn ào vào hương ước, quy ước của khu phố, ấp để từ đó tuyên truyền, nhắc nhở người dân tự giác thực hiện.
Tương tự, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 17 HĐND TP Cần Thơ khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra chiều 9-7, nhiều ĐB phản ánh tình trạng karaoke từ loa kéo gây tiếng ồn trong khu dân cư, bức xúc trong nhân dân nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý.
Trả lời về việc này, theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch, trách nhiệm của sở này là đưa tiêu chí tiếng ồn vào quy ước để đánh giá gia đình văn hóa. Còn việc xử phạt vi phạm về tiếng ồn thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an TP. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, lại cho hay qua các cuộc kiểm tra thì chưa phát hiện trường hợp nào gây tiếng ồn vượt mức nên chưa xử lý vụ nào. Tuy nhiên, vị này lại thừa nhận nhiều trường hợp nhà bên này nhậu rồi ca hát, nhà bên kia qua phản ánh thì xảy ra án mạng.
Ng.Phan - C.Linh
Bình luận (0)