Ngày 31-3, tại tỉnh Ninh Thuận, Công an tỉnh Ninh Thuận và Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (doanh nghiệp dự án) đã ký quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, trật tự công cộng, phục vụ quá trình thi công dự án tuyến cao tốc này.
Quy chế phối hợp nhằm nâng cao việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, các hoạt động tiêu cực ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án.
Theo quy chế này, Công an tỉnh Ninh Thuận sẽ bố trí lực lượng, phương tiện đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông trong quá trình vận chuyển, lắp đặt, thi công các hạng mục thuộc dự án.
Công an tỉnh Ninh Thuận sẽ phối hợp với Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo để kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ, lực lượng đảm bảo an toàn lao động của công ty.
Định kỳ mỗi tháng hoặc đột xuất, các bên tổ chức họp đánh giá tình hình thực hiện quy chế và giải quyết những vấn đề liên quan đến dự án.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đặng Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cho biết dự án đã huy động hơn 1.000 kỹ sư, công nhân, 600 máy móc thiết bị đến hiện trường đồng loạt triển khai thi công các gói thầu xây lắp, cầu, đường, hầm…; tiến độ đến nay vượt 105% so với kế hoạch. Trên tuyến, công ty lắp đặt gần 100 camera để giám sát quá trình thi công và kiểm soát tình hình an ninh trật tự.
"Việc phối hợp giữa Công an tỉnh Ninh Thuận và công ty thông qua lễ ký kết sẽ đảm bảo an ninh trật tự, góp phần đưa dự án về đích vượt tiến độ 3 tháng như cam kết với Thủ tướng Chính phủ" - ông Thắng nhìn nhận.
Ông Hồ Đình Chung, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả (nhà đầu tư), tặng hoa chúc mừng
Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 8.925 tỉ đồng, chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là một trong 3 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư theo hình thức PPP.
Dự án này có hạng mục hầm Núi Vung dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là hầm đường bộ lớn thứ 4 cả nước sau hầm Hải Vân, hầm Đèo Cả và hầm Cù Mông.
Tại dự án này, nhà đầu tư đã huy động đa dạng nguồn vốn góp bằng nhiều phương pháp, hoàn thành thu xếp vốn sớm nhất trong 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Trước đó, trong giai đoạn đấu thầu, nhà đầu tư đã đưa ra phương án giảm tổng mức đầu tư gần 10%, tương đương 891 tỉ đồng khi tối ưu tổ chức thi công như: Sản xuất vật liệu từ nguồn đá đào hầm, tận dụng máy móc thiết bị đã khấu hao, dịch chuyển bộ máy thi công từ các dự án vừa hoàn thành hoặc chuẩn bị hoàn thành như cầu Tình Yêu, hầm Bao biển, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bình luận (0)