Sáng nay 16-4, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình đã tổ chức cuộc họp báo thông tin về lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và Lễ hội Hoa Lư năm 2018. Đây là một hoạt động lớn, có ý nghĩa của tỉnh Ninh Bình để vinh danh vị hoàng đế đã có công dẹp loạn 12 sứ quân gây dựng lên Nhà nước Đại Cồ Việt một thời huy hoàng.
Tỉnh ủy Ninh Bình tổ chức họp báo chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018
Theo ban tổ chức, lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt sẽ diễn ra vào tối ngày 24-4, tại Khu Di tích lịch sử cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn Hóa-Thể thao tỉnh Ninh Bình, Phó trưởng ban tổ chức, cho biết kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt sẽ chia làm 2 phần gồm nghi lễ và nghệ thuật, trong đó có việc bắn pháo hoa tầm cao trong vòng 15 phút. "Đây là một sự kiện lớn, có ý nghĩa của Ninh Bình nên chúng tôi đã có văn bản xin Thủ tướng Chính phủ cho bắn pháo hoa tầm cao và đã được đồng ý"- ông Cường nói.
Được biết, lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt sẽ kéo dài trong tháng 4 đến hết tháng 5-2018, với khoảng 50 chương trình, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao, triển lãm, trong đó có một số lễ hội lớn như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vi…
Cố đô Hoa Lư - nơi sẽ diễn ra các hoạt động cho lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt
Lễ kỷ niệm không những tôn vinh, ghi nhớ công trạng công lao to lớn của vương triều Đinh trong công cuộc dựng nước của dân tộc mà qua lễ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư năm 2018, Ninh Bình mong muốn đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của Ninh Bình tới đông đảo nhân dân, du khách trong nước và quốc tế để góp phần kích cầu du lịch, phấn đầu đến năm 2030 du lịch Ninh Bình sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Ninh Bình và Việt Nam đồng thời là một trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới (Ninh Bình) đã được UNESCO công nhận. Hệ thống di tích ở Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại nhà Đinh, nhà Tiền Lê và khởi đầu nhà Lý.
Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, đánh Tống-dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội), Hoa Lư trở thành cố đô.
Khu di tích lịch sử cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87 km2. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, cố đô Hoa Lư một thời huy hoàng hầu như đã bị tàn phá, đổ nát theo thời gian. Tuy nhiên, hiện quần thể di tích Hoa Lư vẫn còn gần 30 di tích, trong đó có 2 di tích là đền vua Ðinh và đền vua Lê đang còn lưu giữ nhiều kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc độc đáo.
Bình luận (0)