xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 - 19.5.2023): Hiến dâng trọn đời cho dân, cho nước

GS-TS HOÀNG CHÍ BẢO - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Gần 2 tháng trước khi qua đời, trả lời nữ nhà báo Cuba Mác-ta-Rô-hát, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Tôi hiến cả đời tôi cho nhân dân tôi" (1)

Người đã chiến đấu, hy sinh, dấn thân và hiến dâng trọn vẹn cả đời hoạt động hơn 6 thập kỷ cho dân, cho nước, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc ta khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, phong kiến, đưa dân tộc ta từ nô lệ tới tự do, nhân dân trở thành người chủ của xã hội, đưa nước ta đi tới chủ nghĩa xã hội.

Dấu ấn không thể mờ phai

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc vĩ đại và danh nhân văn hóa thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời tranh đấu vô cùng gian lao và anh dũng, vô cùng phong phú, cao thượng và đẹp đẽ. Sự nghiệp của Người là một sự nghiệp vĩ đại, gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc và Đảng ta.

Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã để lại những dấu ấn không thể mờ phai trong lịch sử. Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ di sản của Người đã để lại cho dân tộc và nhân dân ta là tài sản tinh thần vô giá, có giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn, thiêng liêng đối với mọi thế hệ người Việt Nam, cho muôn đời sau. Đó là nguồn sáng bất diệt soi đường cho toàn Đảng, toàn dân đi tới tương lai, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn với hệ giá trị cốt lõi: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

KỶ NIỆM 133 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19.5.1890 - 19.5.2023): Hiến dâng trọn đời cho dân, cho nước - Ảnh 1.

Sinh viên ở TP HCM tham quan, tìm hiểu tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh quận 4. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Di sản mà Người để lại cho dân tộc ta là thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Là nhà tư tưởng Mác xít sáng tạo, đầy bản lĩnh, Người đã có những cống hiến to lớn đối với sự phát triển của lịch sử thế giới hiện đại, làm phong phú và sâu sắc thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân (cũ và mới) của các dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Người còn nổi bật trong phương pháp tiếp cận khoa học về chủ nghĩa xã hội, tiếp cận đạo đức học đồng thời đem lại những kiến giải đặc sắc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn tính phổ biến với tính đặc thù để làm sáng tỏ những đặc điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội từ thực tiễn Việt Nam, quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước đi tới chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh là chủ nghĩa xã hội khoa học, đổi mới và phát triển, thông qua tiếp biến văn hóa bằng hội nhập quốc tế. Đó là chủ nghĩa xã hội thấm nhuần sâu sắc bản chất giai cấp công nhân và tinh thần thời đại, đồng thời thể hiện tính dân tộc và tính nhân dân, vừa truyền thống vừa hiện đại, một chủ nghĩa xã hội nhân văn và văn hóa, con người là mục tiêu, động lực và chủ thể của phát triển. Con người tự do và hạnh phúc là mối quan tâm thường trực, suốt đời và nhất quán của Người.

Lãnh đạo toàn dân tiến hành sự nghiệp vĩ đại ấy là Đảng Cộng sản tiêu biểu cho đạo đức và văn minh. Quản lý mọi lĩnh vực hoạt động sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp vĩ đại ấy là nhà nước dân chủ - pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Nhân dân là người chủ xã hội, có năng lực làm chủ, có quyền làm chủ, đồng thời tự giác thực hiện nghĩa vụ của người chủ.

Không màng danh lợi

Những luận đề tư tưởng đó của Người trở thành kim chỉ nam hành động của Đảng và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là những giá trị bền vững mãi mãi có tính thời sự, mới mẻ và hiện đại. Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng thấm nhuần sâu sắc quan điểm thực tiễn, quan điểm phát triển và đổi mới sáng tạo. Người là con người hành động với phương pháp tư duy biện chứng đặc sắc. Người là nhà biện chứng thực hành:

"Thực hành sinh ra hiểu biết

Hiểu biết tiến lên lý luận

Lý luận lãnh đạo thực hành" (2)

Người luôn căn dặn chúng ta, lý luận phải liên hệ với thực tiễn, phải chú trọng nâng cao trình độ hiểu biết lý luận, trọng lý luận, chống bệnh coi khinh lý luận, phải khắc phục thói lý luận suông, chủ nghĩa kinh nghiệm, bệnh hình thức và giáo điều. Phải có tinh thần đổi mới sáng tạo, ham học, ham làm, ham tiến bộ, ham chuộng các công việc thực tế, luôn liên hệ mật thiết với quần chúng. Phải ra sức thực hành dân chủ - dân vận và đoàn kết. Có quyết tâm, tín tâm và đồng tâm, làm cho dân giác ngộ, dân tin tưởng, dân yêu mến, dân giúp đỡ, dân ủng hộ và dân bảo vệ thì cách mạng mới thành công. Muốn được như vậy thì phải ra sức làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, không làm điều gì trái ý dân. Phải gương mẫu, tận tụy, hy sinh, "Dĩ công vi thượng", gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, hợp lòng dân nhất, "một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Cũng theo Người, quan trọng nhất là phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, tẩy sạch quan liêu, đẩy lùi tham nhũng, nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, làm cho Đảng cầm quyền phải thật trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh để dân tin, dân theo. Phải có bản lĩnh không màng danh lợi, suốt đời ở ngoài vòng danh lợi để toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, làm đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân.

"Giữ chủ nghĩa cho vững", "Ít lòng ham muốn về vật chất" là lẽ sống của người cách mạng (3). Có một Đảng chân chính cách mạng như vậy, một đội ngũ cán bộ đảng viên như vậy thì mới đủ uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, quy tụ được lòng dân, phát huy được sức mạnh đoàn kết, sáng tạo vô tận của nhân dân. Nhờ đó, cách mạng mới phát triển và thắng lợi. Đảng lãnh đạo và cầm quyền bằng khoa học, bằng dân chủ và đoàn kết, bằng đạo đức và văn hóa… là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, mà "cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt" (4).

Đảng không có lợi ích riêng, chỉ một lòng một dạ vì Tổ quốc và nhân dân, làm tất cả chỉ vì hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng cao quý đó của Hồ Chí Minh luôn nhất quán và được chứng thực bằng hành động phấn đấu không mệt mỏi của Người, bởi Người đã hiến dâng cả đời mình, không một chút riêng tư cho hạnh phúc của nhân dân. 

(1) "Hồ Chí Minh, Toàn tập", Sđd. tập 15, tr.674

(2) "Hồ Chí Minh, Toàn tập", 15 tập. CTQG. H2011. tập 7, tr.120

(3) "Hồ Chí Minh, Toàn tập", Sđd. tập 2, tr.280

(4) "Hồ Chí Minh, Toàn tập", Sđd. tập 2, tr.284

Thực hành dân chủ rộng rãi

Khát vọng, hoài bão trở thành ham muốn, ham muốn tột bậc của Người là Tổ quốc phải độc lập, hòa bình và thống nhất. Dân tộc phải tự do và nhân dân có hạnh phúc. Phải phát hiện và khai thác đúng động lực, hệ động lực của phát triển, trong đó "Dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân", "Thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn". Và "Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học sẽ là nguồn sức mạnh vô tận". Chỉ có đoàn kết, đại đoàn kết mới dẫn tới thành công, đại thành công.

Với Hồ Chí Minh, điều căn bản sâu xa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân; phải tuân thủ các yêu cầu: "Đúng quy luật, thuận lòng dân và hợp thời đại".


Giới thiệu nhiều tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 17-5, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính "Nhà sàn Bác Hồ trong khu Phủ Chủ tịch". Bộ tem gồm 1 mẫu tem và 1 block với giá mặt 4.000 đồng và 15.000 đồng. Mẫu tem có khuôn khổ 43 mm x 32 mm, block có khuôn khổ 100 mm x 70 mm do họa sĩ Lê Khánh Vương (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế.

Cùng ngày, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp với Trung tâm Lưu trữ III (thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước) khai mạc triển lãm "Sưu tập chữ ký và bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1969". Sự kiện tổ chức nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2023), 80 năm "Đề cương văn hóa Việt Nam" (1943-2023), 65 năm Bác Hồ về ở và làm việc tại ngôi nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch (17.5.1958-17.5.2023). Triển lãm diễn ra tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trưng bày, giới thiệu hơn 200 lệnh, sắc lệnh gốc tiêu biểu, chọn lọc từ hơn 1.400 văn bản lưu trữ cùng bút tích và gần 80 ảnh tư liệu minh họa cho giai đoạn lịch sử từ năm 1945 đến 1969, cũng là quãng thời gian 24 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở cương vị người đứng đầu nhà nước Việt Nam.

B.T.L

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo