icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mạnh tay chống giặc "nội xâm"

THÁI DUY

Phải xem tình trạng lãng phí của công, lãng phí ngân sách cũng nguy hại không kém tham nhũng và những kẻ gây ra tình trạng này phải bị trừng trị nghiêm khắc

Đảng ra đời, cùng với Mặt trận như cá với nước. Không dựa được vào dân thông qua Mặt trận, Đảng không thể tồn tại.

Khi đất nước bị thực dân Pháp thống trị, chính quyền các cấp chúng đều nắm giữ. Chúng xây dựng đồn, bót đến tận thôn, xã.

Trong tương quan lực lượng giữa ta (Đảng và nhân dân) và địch, ưu thế tuyệt đối thuộc về bọn thống trị. Thế nhưng, Đảng vẫn hoạt động bí mật, vẫn lặng lẽ, kín đáo lãnh đạo các tầng lớp nhân dân - chủ lực là giai cấp công nhân và nhân dân lao động - tiến lên giành độc lập, thống nhất đất nước.

Mạnh tay chống giặc nội xâm - Ảnh 1.

Chăm sóc mọi mặt đời sống của công nhân lao động là chủ trương xuyên suốt, lâu dài của Đảng và nhà nước với nhiều chương trình cụ thể. Trong ảnh: Công nhân mua sắm tại các gian hàng bình ổn giá trong Tháng Công nhân tại quận Bình Tân, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bọn thống trị Pháp thừa biết Đảng Cộng sản sống trong dân. Bộ máy mật thám chìm và nổi của chúng rất đông, ở đâu cũng có nhưng không phát hiện được những hoạt động của Đảng vì các đảng viên đều sống hợp pháp trong dân, làm đủ mọi ngành nghề như dân, được dân nuôi, dân che chở bảo vệ.

Những năm đất nước là nô lệ cho ngoại bang, nhân dân ta rất nghèo nhưng đều hy sinh không bờ bến, là cơ sở của cách mạng, của Đảng.

15 năm hoạt động bí mật (1930 - 1945), đảng viên phải tự kiếm sống, hầu hết do gia đình cơ sở nuôi để còn có thời gian hoạt động, lãnh đạo nhân dân. Dưới ách thống trị của Pháp, của Nhật, nhiều gia đình công nhân, nông dân và nhân dân lao động dù nghèo khổ, bữa đói bữa no nhưng đều dành cho đảng viên sự chăm sóc chu đáo. Đôi khi gia đình cơ sở bị địch khám xét, nơi tránh an toàn nhất đều dành cho đảng viên.

Đoàn kết toàn dân trong Mặt trận Việt Minh đã làm nên Cách mạng Tháng Tám và ngày 2-9-1945, nhà nước Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Đảng ta trở thành đảng cầm quyền và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với toàn dân: Đảng cầm quyền là đầy tớ của nhân dân. Để toàn dân hiểu cụ thể, sâu xa hơn, Người đã nói rõ: Từ Chủ tịch nước đến chủ tịch các làng xã đều phải là đầy tớ thực sự trung thành của nhân dân.

***

Trọn đời mình, Hồ Chủ tịch đã là người đầy tớ thực sự trung thành của nhân dân. Còn lãnh đạo các cấp hiện nay, không ít người còn phải phấn đấu hết mình về mọi mặt mới xứng với niềm tin của nhân dân...

Những năm qua, tham nhũng và lãng phí gây tổn thất rất lớn, ngân sách nhà nước thường xuyên thiếu hụt, không còn đủ tiền của bồi dưỡng sức dân.

Ngày 7-1-2013, tại hội nghị trực tuyến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã nêu câu hỏi: "Bây giờ mình không thiếu gạo, mình cũng viện trợ nơi này nơi khác, vậy tại sao để con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, mang khoai đến lớp, mà phải lập chòi nấu ăn?".

Một câu hỏi nhức nhối đã có từ lâu của những người công tác ở vùng dân tộc thiểu số và lúc ấy, qua đài truyền hình, được nghe chính Thủ tướng nói đến con cháu thiếu cả cơm ăn. Lại là con cháu vùng núi cao càng không thể chấp nhận khi năm 2012, Việt Nam phá kỷ lục xuất khẩu gạo với hơn 7 triệu tấn.

Vùng núi cao hầu hết dọc biên giới từ xa xưa đã được ông cha ta gọi là "phên dậu" của Tổ quốc, sinh sống ở đây là các dân tộc thiểu số. Vùng núi cao là tuyến đầu, quân xâm lược lấn chiếm nước ta đều vấp phải sức giáng trả quyết liệt của bản làng dân tộc thiểu số. Các cháu vùng núi cao đến trường có đủ gạo ăn vẫn đói, vì chỉ chất bột thì không thể no khi thiếu chất dinh dưỡng là thịt.

Mạnh tay chống giặc nội xâm - Ảnh 2.

Công nhân tại Công ty Cofidec dùng bữa ăn được trợ giá 18.000 đồng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nhiều con em ở vùng cao cả tháng chẳng được miếng thịt. Trong khi đó, mỗi ngày không thể đếm được bao nhiêu tiệc lớn, tiệc nhỏ bằng tiền nhà nước, thịt cá không ăn hết đổ đi. Các cháu đói là tội ở người lớn.

Nhiều người có chức quyền về các địa phương ở mấy ngày, bữa nào cũng như bữa cỗ, thịt cá ê hề chẳng thể ăn hết. Tiền của dân nên rượu ngoại 10 triệu đồng một chai vẫn tiêu thụ được. Một số cán bộ hằng tháng cơm nhà chỉ 15 hoặc 20 ngày, còn thì dự tiệc các nơi mời, khách và chủ đều vui vẻ vì thừa biết ngân sách chịu cả.

***

Đến nay, một số khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn chưa xây dựng được nhà trẻ, trường mầm non cho các gia đình công nhân có con nhỏ. Trong khi đó, "giặc nội xâm" tham nhũng và lãng phí vẫn trầm trọng. Công nhân lao động thường làm quá sức nhưng chưa được hưởng quyền lợi đúng với sức lực đã bỏ ra. Ngược lại, nhiều người làm ít lại hưởng nhiều, vừa gây ra thua lỗ, nợ nần vừa chi tiêu rất hoang phí, xa hoa tiền dân đóng thuế.

Lãng phí của công nhìn đâu cũng thấy. Nhiều nơi đua nhau xây dựng, chưa cần có khu công nghiệp vẫn xây để bằng tỉnh khác, rồi bỏ trống trong khi nhà ở cho công nhân rất thiếu.

Lương thấp, không bảo đảm mức sống tối thiểu, nhiều công nhân không có nhà phải thuê chỗ trọ, đồng lương càng hết sức eo hẹp. Một vùng biển có 6 tỉnh chỉ cần một cảng biển nhưng mỗi tỉnh đều xây riêng một cảng, công trình hoành tráng nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp. Vài tỉnh mới cần một sân bay nhưng địa phương nào cũng xây. Lãng phí ở mỗi tỉnh hàng trăm tỉ đồng đã trở thành thói quen. Bên cạnh đó, có một việc rất ngược đời là nhà nước ta phải nuôi doanh nghiệp nhà nước rất tốn kém, trong khi ở các nước khác, doanh nghiệp nhà nước phải nuôi nhà nước.

Chăm sóc mọi mặt đời sống của công nhân lao động là chủ trương xuyên suốt, lâu dài của Đảng và nhà nước với nhiều chương trình cụ thể. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, nhiều nơi vẫn gặp khó khăn, thường thiếu tiền trong khi lãng phí của công, lãng phí ngân sách lại rất phổ biến. Riêng xe công mua vượt giá nhà nước quy định phải bãi sông Hồng mới chứa hết! Ở Pháp, khi thủ tướng muốn thay ôtô, quyết định là ở bộ phận khám xe, nếu phương tiện vẫn còn dùng được thì chưa thể thay. Còn ở ta, lãnh đạo cấp huyện muốn thay xe cũng chẳng có nơi nào khám, muốn là được.

Phải xem tình trạng lãng phí của công, lãng phí ngân sách cũng nguy hại không kém tham nhũng và những kẻ gây ra tình trạng này phải bị trừng trị nghiêm khắc! 

Công nhân lao động thường làm quá sức nhưng chưa được hưởng quyền lợi đúng với sức lực đã bỏ ra. Ngược lại, nhiều người làm ít lại hưởng nhiều, vừa gây ra thua lỗ, nợ nần vừa chi tiêu rất hoang phí, xa hoa tiền dân đóng thuế.

Không thể xem là việc bình thường

Tham nhũng là tội ác nhưng lãng phí của công hàng chục, hàng trăm triệu đồng nhiều khi chỉ là việc bình thường, chẳng ai bị kỷ luật. Hàng trăm công trình xây dựng bị "đắp chiếu", lãng phí hàng ngàn tỉ đồng, báo chí đưa tin nhưng chẳng mấy khi cán bộ phải chịu trách nhiệm, do vậy hầu như chẳng có ai bị kỷ luật.

Ở nhiều nước, quan chức để xảy ra lãng phí đến mức nào đó đều phải ra tòa. Tổng thống Đức Christian Wullf (2010-2012) chỉ vì vụ lợi 750 euro tiền ở khách sạn đã buộc phải từ chức trong vòng 1 năm - kỷ luật rất nghiêm đối với một tổng thống đã lãng phí ngân sách nhà nước, dù số tiền không lớn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo